Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ năm, 9/1/2020, 10:37 (GMT+7)

Quan hệ Mỹ - Iran thăng trầm gần 7 thập kỷ

Mỹ từng là đồng minh hỗ trợ Iran về kinh tế, quân sự, nhưng quan hệ hai nước xấu đi sau Cách mạng Hồi giáo 1979.

Mỹ bắt đầu can dự vào Iran năm 1953, sau khi được tình báo Anh đề nghị hỗ trợ lật đổ Thủ tướng dân cử Mohammed Mossadegh để khôi phục ngai vàng cho quốc vương Mohammed Reza Pahlavi.
Trong ảnh, những người thuộc phe bảo hoàng diễu hành cùng xe tăng trên đường phố Tehran sau khi tiến hành đảo chính lật đổ Thủ tướng Mossadegh ngày 27/8/1953. Ảnh: AFP.

Quốc vương Iran Pahlavi (trái) bắt tay một tướng không quân Mỹ tại căn cứ Andrews, bang Maryland ngày 16/11/1977, sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ. Ảnh: US National Archieves.

Sau cuộc đảo chính, Mỹ ra sức củng cố quyền lực chính trị và quân sự ở Iran. Sự hỗ trợ của Mỹ giúp kinh tế Iran tăng trưởng ấn tượng trong thập niên 1960 và 1970.

Carter thăm Iran
 
 

Tổng thống Mỹ dự tiệc ở Tehran năm 1978. Video: Iran Zamin Author/YouTube.
Carter tới thăm Iran vào đêm giao thừa năm 1977 và cụng ly cùng quốc vương Pahlavi. "Iran, dưới sự lãnh đạo của quốc vương, là một ốc đảo ổn định giữa những hỗn loạn xung quanh", Carter nói.

Đầu năm 1979, quốc vương Pahlavi thông báo đi nghỉ ở nước ngoài và người Iran coi đây là sự chấm dứt chế độ cầm quyền của ông. Vài tuần sau đó, Khomeini từ Pháp trở về Iran lãnh đạo cuộc cách mạng. Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời ngày 1/4/1979 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Tháng 10/1979, Mỹ cho phép quốc vương Pahlavi nhập cảnh để điều trị ung thư, trong khi Iran đòi Mỹ giao ông này để xét xử và xử tử. Ngày 4/11, một nhóm sinh viên đại học Iran xông vào đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ 52 nhân viên đại sứ quán làm con tin trong 444 ngày, sự kiện được gọi là cuộc khủng hoảng con tin Iran.

Trong ảnh, các con tin Mỹ bị bịt mắt bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979. Ảnh: Reuters.

Mỹ coi việc bắt con tin tại đại sứ quán ở Tehran là sự vi phạm luật pháp quốc tế, khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. 5 tháng sau khi các con tin bị bắt, Tổng thống Carter cho phép tiến hành chiến dịch giải cứu. Tuy nhiên, chiến dịch thất bại khiến 8 người Mỹ thiệt mạng.

Trong ảnh, Tổng thống Carter thông báo các lệnh trừng phạt với Iran và đóng băng 12 tỷ USD tài sản của nước này năm 1979. Ảnh: AP.

Mỹ và Iran sau đó bắt đầu đàm phán thành công và các con tin được phóng thích vào ngày 20/1/1980, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.

Năm 1980, Iran phát động chiến tranh với nước láng giềng Iraq. Mỹ đã có những động thái hỗ trợ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein chống lại Iran trong cuộc chiến 8 năm.

Khi căng thẳng khu vực leo thang, tàu chiến Vincennes của Mỹ bắn nhầm máy bay Iran Air 655 khiến 290 người chết. Mỹ tuyên bố đây là tai nạn, trong khi chính quyền Iran cho rằng đây là hành vi có chủ đích.

Trong ảnh, một phụ nữ Iran khóc thương người thân thiệt mạng trên chuyến bay 655.  Ảnh: ISNA.

Quan hệ song phương tiếp tục xấu đi khi Tổng thống George W. Bush gọi Iran là một phần của "trục ma quỷ", cùng với Iraq và Triều Tiên, trong Thông điệp Liên bang năm 2002.

Trong ảnh, Bush tuyên bố Iran gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng tăng" với Mỹ trong Thông điệp Liên bang ngày 29/1/2002. Ảnh: Reuters.

Mỹ - Iran bắt đầu cải thiện quan hệ từ khi Barack Obama lên cầm quyền. Các cuộc đàm phán bí mật giữa quan chức hai nước được thúc đẩy vào năm 2013 để bàn về vấn đề hạt nhân Iran, đặc biệt là từ khi chính trị gia có đường lối ôn hòa Hassan Rouhani được bầu làm Tổng thống Iran.

Trong ảnh, Obama trao đổi qua điện thoại với Rouhani ngày 28/9/2013, cuộc điện đàm cấp cao nhất giữa hai nước trong suốt ba thập kỷ. Ảnh: White House.

Năm 2015, sau một loạt hoạt động ngoại giao, Iran và các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức đạt được thỏa thuận hạt nhân. Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra, đổi lại, họ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Trong ảnh, phái đoàn Mỹ (trái) và các quan chức Iran gặp nhau ở Lausanne, Thụy Sĩ để bàn về thỏa thuận hạt nhân ngày 26/3/2015. Ảnh: Brendan Smialowski/Reuters.

Tuy nhiên, quan hệ Washington - Tehran lại lao dốc kể từ khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Sau khi nhậm chức, Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt với nước này.

Trong ảnh, Trump giơ văn bản vừa ký tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran vào ngày 8/5/2018. Ảnh: Evan Vucci/AP.

Trump cảnh báo Iran sẽ bị xóa sổ nếu xung đột với Mỹ
 
 

Mỹ và Iran đứng bên bờ vực chiến tranh khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 20/6/2019 bắn hạ máy bay không người lái RQ-4N của Mỹ trên eo biển Hormuz. Iran nói máy bay này xâm phạm không phận của họ trong khi Mỹ cho rằng nó hoạt động ở vùng trời quốc tế.

Tổng thống Mỹ Trump một ngày sau đó rút lại lệnh không kích trả đũa Iran, nói rằng ông không muốn chiến tranh với nước này.

Căng thẳng song phương bùng phát từ cuối tháng 12/2019, khi Mỹ không kích nhóm dân quân Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn để đáp trả một cuộc tấn công vào căn cứ ở Kirkuk, đông bắc Iraq khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng.

Những người ủng hộ dân quân Iraq sau đó tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12/2019 và 1/1/2020, khiến Mỹ phải điều thêm khoảng 100 lính thủy đánh bộ đến bảo vệ sứ quán. Ảnh: AFP.

Trump hôm 3/1 bất ngờ ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cáo buộc ông này đứng sau các âm mưu tấn công người Mỹ ở Trung Đông.

Vụ hạ sát Soleimani đã khiến Iran nổi giận, thề sẽ "báo thù khốc liệt". Trong ảnh, các lãnh đạo Iran đứng bên linh cữu Soleimani tại tang lễ ở Tehran hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Rạng sáng 8/1, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Iraq. Cuộc tập kích làm gia tăng lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước.

Tuy nhiên, Trump hôm qua phát biểu tại Nhà Trắng, khẳng định cuộc tấn công không gây thương vong cho lính Mỹ và chỉ gây "thiệt hại tối thiểu" cho hai căn cứ. Trump quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt Iran thay vì có biện pháp quân sự trả đũa, giúp ngòi nổ chiến tranh được tháo gỡ.

Trump khẳng định ông muốn Iran phát triển thịnh vượng, hòa hợp với các nước khác và sẵn sàng "chìa cành oliu" nếu lãnh đạo nước này mong muốn hòa bình.