Microsoft đang nổi lên là ứng viên hàng đầu để cứu TikTok khỏi lời đe dọa cấm hoạt động tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Tiktok hiện thuộc sở hữu của ByteDance - công ty có trụ sở tại Bắc Kinh. Thương vụ này sẽ giúp Microsoft toàn quyền sở hữu và vận hành Tiktok tại Mỹ, Canada, Australia, New Zealand.
Microsoft đã mất hàng thập kỷ gây dựng quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Không như các hãng công nghệ lớn khác của Mỹ, Microsoft có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Các sản phẩm của hãng cũng được sử dụng phổ biến ở đây.
Ảnh hưởng của Microsoft
Microsoft có mặt ở Trung Quốc từ năm 1992 và hiện có 6.000 nhân viên ở nước này. Các phần mềm của Microsoft được cả chính phủ lẫn doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng. Linkedln là mạng xã hội nghề nghiệp phổ biến, còn Bing là công cụ tìm kiếm nước ngoài duy nhất có thị phần ở Trung Quốc.
Microsoft cũng có mạng lưới cựu sinh viên hạng A ở Trung Quốc nhờ trung tâm nghiên cứu Microsoft Research Lab Asia (MSRA). Microsoft Research Lab Asia đặt tại Bắc Kinh và là một trung tâm nghiên cứu khoa học máy tính đẳng cấp thế giới.
Nơi này được nhiều người coi là lò đào tạo cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Nhiều nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của Alibaba, Xiaomi, Pinduoduo từng làm việc cho Microsoft và được đào tạo tại MSRA. Ngay cả Zhang Yiming, người sáng lập kiêm CEO ByteDance, cũng làm việc một thời gian ngắn tại Microsoft.
"Microsoft thực sự được cộng đồng công nghệ Trung Quốc tôn trọng’’ đặc biệt khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo (AI), Edith Yeung - nhà phân tích tại Race Capital cho biết. Bà đã cùng quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups đổ tiền vào các công ty Trung Quốc nhiều năm nay.
Một trong những chuyên gia AI nổi tiếng nhất thế giới - cựu giám đốc Google Trung Quốc Lý Khai Phục đã giúp thành lập MSRA. ByteDance có một loạt ứng dụng gây nghiện đều dựa vào thuật toán AI. Các ứng dụng này phân tích hành vi người dùng và cung cấp cho họ nội dung mà họ muốn xem.
Nhiều người trong giới công nghệ Trung Quốc tin rằng Microsoft là "sự lựa chọn tốt nhất" để mua TikTok, vì chí ít Microsoft cũng có "nền tảng về AI để hiểu ByteDance đang làm gì", Yeung nói thêm.
Tony Verb - đồng sáng lập GreaterBay Ventures & Advisors - tổ chức chuyên làm việc với các doanh nhân khởi nghiệp Trung Quốc cho biết việc TikTok buộc phải bán cho Microsoft là thương vụ "3 bên cùng có lợi trong bối cảnh tồi tệ hiện tại".
Với Trump, đây có thể là một chiến thắng. Với Microsoft, có được sản phẩm tăng trưởng nhanh như TikTok là chuyện tốt. Còn với ByteDance, "đây là kết quả ít kinh khủng hơn", Verb nhận xét.
Thách thức ở Trung Quốc
Cũng như các công ty đa quốc gia khác, Microsoft phải đối mặt với nhiều thách thức ở Trung Quốc. Vi phạm bản quyền tràn lan ngăn cản họ tăng thị phần. Giám đốc Microsoft Brad Smith cho biết dù phần mềm của Microsoft được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, nước này chỉ đóng góp chưa đầy 2% doanh thu toàn cầu cho hãng.
Năm ngoái, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft còn bị chặn lại một thời gian ngắn ở Trung Quốc. Nguyên nhân của việc này không được công bố, nhưng nó xảy ra khi căng thẳng Mỹ - Trung lan sang lĩnh vực công nghệ, với việc Washington tấn công đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei.
Microsoft cũng đang phải đối mặt với sự giám sát của cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc. Cơ quan này đang điều tra xem liệu Microsoft có vi phạm luật chống độc quyền của nước này hay không. Cuộc điều tra tập trung vào phần mềm Windows và Office.
Tại thời điểm căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, hoạt động kinh doanh của Microsoft tại Trung Quốc có thể trở thành gánh nặng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần xa lánh nhau và tiến gần hơn đến việc tách rời về công nghệ.
Một số quan chức chính quyền Mỹ thì nghi ngờ việc Microsoft quá thân mật với Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết các sản phẩm do Microsoft sở hữu như Bing và Skype đã cho phép Trung Quốc giám sát và kiểm duyệt thông tin.
Bing được hoạt động tại Trung Quốc với tên miền cn.bing.com do kết quả tìm kiếm được kiểm duyệt. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, năm ngoái, Smith cho biết Microsoft đã có "những ngày gặp khó trong đàm phán hoặc thậm chí là bất đồng" với chính quyền Trung Quốc.
Navarro thì lo ngại giới chức Trung Quốc có thể nghe lén thông tin khi người dùng sử dụng sản phẩm của Microsoft tại Trung Quốc. Ông cũng đặt câu hỏi liệu Microsoft có nên bị buộc "thoái vốn tại Trung Quốc" nếu mua TikTok hay không.
Trung Quốc vẫn có thể hưởng lợi
Trump nói rằng việc buộc ByteDance bán TikTok là một chiến thắng cho nước Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ sẽ cũng nhận được một khoản nếu thương vụ diễn ra. Các chuyên gia trong ngành cho rằng việc mua TikTok có thể khiến Microsoft tiêu tốn 40 - 50 tỷ USD.
Bình luận của ông Trump đã gây ra làn sóng phản đối ở Trung Quốc. Tờ China Daily đã ví việc bán TikTok là một cuộc tấn công do chính phủ Mỹ dàn dựng.
Dù vậy, Rich Robinson - Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cho rằng việc bán TikTok cũng nên được coi là một thắng lợi lớn cho ngành công nghệ và quá trình đổi mới sáng tạo tại Trung Quốc. "50 tỷ USD là chiến lợi phẩm khá tốt", ông nói.
ByteDance đã thu hút hàng trăm triệu người dùng Tiktok trên khắp thế giới. Ứng dụng này đã mang lại hàng chục tỷ USD doanh thu năm ngoái. Đây cũng là nền tảng truyền thông xã hội đầu tiên của Trung Quốc tạo ra sự đột phá trên thị trường quốc tế.
"Đây là chiến thắng với tất cả các bên", ông nói, "Nhưng thật tệ khi thương vụ này bị chính trị hóa".
Thiên Linh (theo CNN)