Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM, cho biết đường lây viêm gan C và HIV tương đồng nhau, do hành vi tiêm chích và quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con. Chương trình điều trị HIV tại TP HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân có tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan C khá cao.
"Người bệnh HIV nếu tuân thủ điều trị thuốc ARV có thể sống đến 70 tuổi, nhưng nếu đồng nhiễm viêm gan C thì tuổi thọ sẽ rút ngắn, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, nguy cơ tiến triển ung thư", bác sĩ Vân chia sẻ. Nhiều người có nguy cơ mắc viêm gan C không biết về những nguy cơ, hậu quả của bệnh, phải phòng bệnh, sàng lọc, điều trị ra sao.
Từ đầu 2018, TP HCM thí điểm dự án "Tăng cường nhận thức và sàng lọc viêm gan virus C trong nhóm nguy cơ cao", giúp nâng cao nhận thức, khuyến khích những người nhiễm HIV, quan hệ tình dục đồng giới tham gia xét nghiệm viêm gan C. Việc tiếp cận nhóm có nguy cơ nhiễm viêm gan C cao được lồng ghép với hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng.
Kể từ tháng 4/2018 đến nay đã có hơn 3.000 người tham gia xét nghiệm viêm gan C. 217 trường hợp có kết quả phản ứng với xét nghiệm nhanh và 111 trường hợp chẩn đoán mắc bệnh, được kết nối với các dịch vụ y tế tiếp theo.
Viêm gan C chưa có văcxin phòng, 60% người nhiễm bệnh không có triệu chứng rõ nên được xem là "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh viêm gan C mạn tính cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu hoặc loại trừ hoàn toàn tình trạng viêm gan, giúp ngăn ngừa diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan.