Anh Nguyễn Công Duy thuê đất ven biển An Bàng, phường Cẩm An, TP Hội An, mở nhà hàng. Sáu năm qua, bờ biển cách quán 7 m nên thuận lợi buôn bán. Mỗi ngày du khách đến nhà hàng rồi xuống bờ biển tắm, sử dụng dịch vụ ăn uống.
Bão Molave đổ bộ sáng 28/10, sóng biển ăn sâu vào đất liền 7 m, tạo hàm ếch cao 5 m. Hàng dừa trước quán và bờ kè bị đánh sập, cuốn ra biển. Anh Duy đã phải tháo một căn nhà, một số bị sóng cuốn trôi, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Anh Duy mong muốn chính quyền hỗ trợ cát và bao tải để đắp bờ kè tạm thời chống sạt lở. "Nếu không gia cố, các cơn bão sắp tới sẽ tạo sóng lớn xâm thực cuốn hết đất, lúc đó không còn chỗ kinh doanh", anh nói.
Tại khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, nhiều ngôi nhà, quán nhậu, nhà nghỉ bị sóng đánh sập trong bão Molave. Móng, tường nhà, bờ kè đá, cây dừa, dương liễu bị cuốn ra xa. Nhiều nhà khác nằm chênh vênh bên bờ biển, có nguy cơ đổ.
Hội An có hơn 7 km bờ biển qua phường Cửa Đại và Cẩm An, chia thành các khu vực bãi biển Cửa Đại, Tân Thành và An Bàng. Những năm qua, bãi biển Cửa Đại ở phía Nam bị nước biển xâm thực. Thành phố Hội An đã dùng bao tải cát làm kè chống sạt lở khẩn cấp.
Trước bão Molave, địa phương huy động hàng trăm người bỏ hàng trăm bao tải cát gia cố nên đoạn Cửa Đại không bị sạt lở sâu. Hiện tượng sạt lở chủ yếu diễn ra ở bờ biển phía Bắc. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP Hội An, nói: "Sạt lở kéo dài, phương án chống vượt quá khả năng của thành phố".
Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết Ban đang thực hiện dự án đê ngầm 220 m với vốn đầu tư 40 tỷ đồng, cơ bản đã xong. Tuyến đê ngầm được xây dựng để chắn, phá sóng từ xa cho Hội An.
"Sang năm, chúng tôi tiếp tục thực hiện 1km từ nguồn vốn Trung ương đã được phê duyệt 300 tỷ đồng", ông Điềm nói và cho hay để thực hiện dự án đê ngầm dài hơn 7 km ở biển Hội An hết khoảng 2.000 tỷ đồng.
Từ năm 2000 đến nay, bờ biển Hội An đoạn Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng. Hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, doanh nghiệp bỏ ra chống sạt lở, nhưng không hiệu quả. Nhiều hội thảo về tình trạng biển Hội An bị xâm thực đã được tổ chức. Các nhà khoa học nhận định, nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An chủ yếu là thay đổi cán cân bùn cát, do dòng chảy và tác động của con người.