Sáng 24/8, trả lời VnExpress, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết ngay từ ngày đầu TP HCM thắt chặt giãn cách (23/8), tất cả hoạt động tham gia phòng chống Covid-19 của quân đội đều diễn ra theo đúng kế hoạch.
Quân đội đang có nhiều mũi đồng hành với TP HCM chống dịch. Trong đó, công việc rất mới là phối hợp, thành lập các tổ, nhóm cung cấp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trên phạm vi toàn thành phố, nhất là ở vùng đỏ (nguy cơ cao).
Ngày đầu tiên, bộ đội đã trao gói an sinh giá trị từ 300.000 đến 500.000 đồng đến tận nhà người dân có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình tiếp cận các gia đình, chiến sĩ tranh thủ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, sau đó tổng hợp phản ánh lại với Ban chỉ đạo.
Các tổ công tác cũng cập nhật chính sách, thông tin mới, hướng dẫn phòng, chống Covid-19 tới người dân. Việc này được thực hiện bằng loa tuyên truyền công suất lớn đặt trên ôtô, đi dọc tuyến đường gắn với địa bàn dân cư và loa tay đi vào từng ngõ nhỏ.
"Bộ đội vừa cung ứng nhu yếu phẩm, vừa thông tin, giúp dân những việc cần thiết. Đây là nhiệm vụ mang tính tổng hợp và rất hiệu quả, nhất trong quá trình thực hiện giãn cách, đảm bảo ai ở đâu thì ở đó", ông Phong nói.
Mũi hỗ trợ thứ hai đã thực hiện từ trước và nay tăng cường là chăm sóc y tế. Lực lượng Quân y giúp tầm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh, điều trị F0.
Tính đến hôm nay, gần 2.000 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, học viên Quân y từ phía Bắc tăng cường vào TP HCM hỗ trợ đợt thắt chặt giãn cách, nâng tổng số lực lượng Quân y hỗ trợ thành phố lên hơn 4.000 người.
Do số lượng bệnh nhân Covid đang điều trị tại nhà khá lớn, lực lượng quân y được chia thành khoảng 400 tổ y tế lưu động. Mỗi tổ có 1-2 bác sĩ và 2-3 nhân viên quân y, cùng các tình nguyện viên đến từng khu phố, hộ gia đình để thăm khám, chăm sóc người bệnh. Bệnh nhân có chiều hướng nặng sẽ được đưa đến bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện tuyến trên của thành phố.
Trong ngày ra quân hôm qua, Bộ tư lệnh TP HCM được Bộ Quốc phòng giao tiếp nhận 30 xe cấp cứu của Quân khu 7, Quân khu 9, bàn giao cho Sở Y tế thành phố.
Khoảng 2.300 y bác sĩ vào hỗ trợ phòng, chống dịch trước đó đang làm việc tại 7 bệnh viện dã chiến (số 4, 5A, 5B, 5C, 5D, 6, 6B). Bộ Quốc phòng cũng chuyển đổi công năng bệnh viện Quân dân y miền Đông để điều trị bệnh nhân Covid; thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid vừa và nặng thuộc Bệnh viện 175. Các bệnh viện nói trên đã tiếp nhận khoảng 7.500 người nhiễm, trên 2.500 người đã được chữa khỏi.
Mũi hỗ trợ thứ 3 là việc tham gia các tổ, chốt, trạm kiểm soát cố định và cơ động. Ở giai đoạn giãn cách trước, người dân vẫn đi lại rất nhiều trên đường, do đó thành phố chủ trương thắt chặt đi lại. Toàn thành phố có 12 chốt liên tỉnh ở những tuyến đường chính, kiểm soát phương tiện bên ngoài vào; và hơn 250 chốt cấp quận, huyện; chưa kể ở các xã phường, cụm dân cư, lối mở.
Bộ đội tham gia trực chốt, phối hợp cùng với công an, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, các lực lượng khác theo chức năng. Công việc của những người lính ở đây là vận động để người dân tự giác chấp hành quy định. Thành viên tổ chốt được trang bị công cụ hỗ trợ. Bên cạnh trực chốt cố định, bộ đội cũng tham gia các tổ cơ động kiểm soát dọc tuyến giao thông, giữ gìn trật tự an ninh và ngăn chặn việc làm sai trái trong thực hiện giãn cách xã hội.
"Lực lượng này phải làm việc với cường độ cao, trong điều kiện thời tiết phức tạp và nhiều nguy cơ khác nên cần sức khỏe tốt, bản lĩnh vững vàng để hực hiện nghiêm pháp luật", Thiếu tướng Phong nói.
Mũi thứ tư là lực lượng vận tải quân sự. Cục phó Tuyên huấn nói quân đội tăng cường cho TP HCM thời gian này rất lớn, lĩnh vực vận tải vì vậy giữ vai trò quan trọng trong việc cơ động lực lượng, trang bị phương tiện, lương thực thực phẩm... Tất cả các hình thức vận tải đều được sử dụng, kết hợp cả vận tải đường không, đường sắt, đường thủy, đường bộ, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, an toàn.
Trước giờ TP HCM thắt chặt giãn cách, nhờ vận tải quân sự, mọi lực lượng, hàng hóa, vật tư thiết yếu đã được tập kết, sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch. Trong ngày 23/8, ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, một chuyến bay vận tải hạng nặng đã được Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không không quân, xuất phát từ Hà Nội vào TP HCM, chở theo hàng chục tấn lương thực thực phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị...
Ngoài ra, hàng trăm chuyến xe đã vận chuyển hơn 610 tấn hàng thiết yếu, vật chất hậu cần cho phòng, chống dịch. Từ 9/7 đến 14/8, 43 chuyến xe đã vận chuyển hơn 8 triệu liều vaccine cho TP HCM. Riêng hôm qua (23/8), Bộ trưởng Quốc phòng quyết định xuất kho thêm 50 tấn lương khô, 5.000 thùng mỳ tôm giao cho Tổng cục Hậu cần phân chia cho các đơn vị và sẵn sàng hỗ trợ người dân.
"Dù việc nhiều, lực lượng vận tải đã xây dựng kế hoạch khoa học. Vì vậy, có thời điểm phải vận chuyển tập trung nhưng không xảy ra ùn tắc hoặc sự cố nào. Lực lượng vận tải cũng phối hợp với các địa phương, tạo thành chuỗi liên kết, hỗ trợ nhau rất tốt", Thiếu tướng Phong cho hay.
Mũi hỗ trợ thứ năm là quân đội lo giải quyết hậu sự cho những người không may qua đời vì Covid-19. Do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên khi có người qua đời vì Covid-19, những người thân không thể có mặt ngay để lo hậu sự, vì vậy Bộ Tư lệnh TP HCM đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để giúp đỡ người dân thực hiện công việc nghĩa tình này.
Đội công tác sẽ thay mặt gia đình thực hiện từ khâu khâm liệm đến lúc bàn giao tro cốt cho người nhà. Những gia đình chưa thể nhận tro cốt thì Bộ Tư lệnh TP HCM lưu giữ, lo hương khói đầy đủ, chu đáo, thể hiện đạo lý của người Việt Nam.
"Số lượng bộ đội tăng cường hỗ trợ TP HCM chống dịch lần này rất lớn. Dù dịch còn diễn biến phức tạp, với trách nhiệm của mình, chúng tôi hy vọng trong thời gian ngắn Covid-19 sẽ được khống chế", Phó cục trưởng Tuyên huấn của Bộ Quốc phòng nói.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng cả nước từ ngày 27/4 đến nay là 354.356, ghi nhận ở 62 tỉnh thành; trong đó tổng số ca tại TP HCM trên 180.000.