Quân đội Philippines ở phía nam đảo Luzon đã được đặt trong trạng thái trực chiến, sẵn sàng hỗ trợ những cư dân bị ảnh hưởng khi siêu bão Goni, tên Philippines là Rolly, chuẩn bị đổ bộ vào khu vực trong hôm nay hoặc ngày mai.
Đại úy Jayrald Ternio, trưởng phòng quan hệ công chúng Sư đoàn bộ binh 2 của quân đội Philippines đóng tại Tanay, Rizal, cho biết thành viên của Đội Hỗ trợ Nhân đạo và Ứng phó Thảm họa (HADR) vẫn ứng trực tại các khu vực vừa bị bão Molave tàn phá.
"Các binh sĩ của chúng tôi vẫn ở đó. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chuẩn bị ứng phó với bão Rolly sắp tới", ông Ternio nói trong cuộc phỏng vấn trực tuyến hôm nay. "Những gì chúng tôi đã làm để ứng phó với bão Molave sẽ được tiếp tục cho tới khi bão Rolly đi qua".
Ternio cho biết theo chỉ thị của thiếu tướng, sư đoàn trưởng Greg Almerol, quân đội Philippines đã sẵn sàng hỗ trợ và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để giúp đỡ người dân trong mọi thảm họa "mà không để bất kỳ mối đe dọa khác nào ảnh hưởng tới sức khỏe, an ninh và an toàn của binh sĩ".
Trước đó, thiếu tướng Almerol cũng cho biết 419 binh lính và 91 phương tiện quân sự đã được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng triển khai để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và cứu hộ trên khắp vùng Nam Tagalo khi cần.
Tại thành phố Quezon, nơi bão Goni dự kiến quét qua, Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai đã bố trí các đội cứu hộ và tìm kiếm đô thị (USAR) tại các khu vực quan trọng dọc Đại lộ G. Araneta để chuẩn bị ứng phó.
"Siêu bão Goni có sức gió dự kiến đạt tới 165-185 km/h, chúng tôi cho rằng tốt nhất nên đặt các đội cứu hộ trong trạng thái sẵn sàng tại các khu vực dễ xảy ra lũ lụt và thiên tai", Myke Marasigan, người đứng đầu Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, nói.
Cơ quan Phát triển Dịch vụ Xã hội (SSDD) cho biết sẽ triển khai nhân viên xã hội và chuẩn bị sẵn hàng cứu trợ, súp gà tại các trung tâm sơ tán để đề phòng trường hợp người dân phải di tản từ các khu vực bị lũ lụt trên khắp Quezon.
Thành phố cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ từ lực lượng cảnh sát, an ninh và trật tự xã hội để vận chuyển người mắc kẹt trong lũ. Cơ quan Quản lý và Phát triển Công viên (PDAD) cũng được chỉ đạo cắt tỉa cây dọc các tuyến đường chính để tránh trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn hoặc làm đứt đường dây điện.
Cơ quan quản lý xây dựng (DBO) yêu cầu các tòa nhà dỡ bỏ biển quảng cáo và biển hiệu bằng bạt, trong khi các công ty xây dựng phải gia cố các thiết bị hạng nặng, như cẩu tháp, trong công trường xây dựng.
Thị trưởng Quezon Joy Belmonte yêu cầu giới chức địa phương tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp y tế tại trung tâm sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân và nhân viên tuyến đầu trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. "Cư dân nên gọi tới đường dây nóng 122 để chúng tôi kịp thời giải quyết các vấn đề khẩn cấp của các bạn", thị trưởng Belmonte nói.
Goni từ một áp thấp nhiệt đới hôm 29/10 mạnh lên thành siêu bão với sức gió tối đa 185 km/h, giật 230 km/h vào chiều 30/10 khi cách Casiguran, tỉnh Aurora, khoảng 980 km về phía đông. Đây được coi là siêu bão mạnh nhất thế giới trong năm nay.
Cơ quan Khí quyển, Địa lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) cho biết bão di chuyển với tốc độ 20 km/h theo hướng tây, hướng về Aurora và Quezon. Khu vực này dự kiến chịu sức gió 195 km/h vào đêm 1/11 hoặc sáng 2/11.
Giới chức Philippines đã phát báo động đỏ, yêu cầu hơn 200.000 người sơ tán tránh bão, cấm tàu thuyền đánh bắt cá ra khơi.
Theo phân loại của PAGASA, bão với sức gió trên 220 km/h được xem là siêu bão. Cơ quan này không dự báo Goni trở thành siêu bão, nhưng Trung Tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Hải quân Mỹ (JTWC) hôm 30/10 nói rằng sức gió của bão có thể đạt 222 km/h, giật 268 km/h ngày 1/11.
Các nhà khí tượng quốc gia dự đoán tới sáng 1/11, siêu bão Goni sẽ gây mưa lớn và dữ dội tại nhiều khu vực miền trung Philippines.
Thanh Tâm (Theo Inquirer, PIA)