Goni ban đầu là một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía đông Philiippines hôm 29/10, nhưng tăng thêm sức mạnh khi đi qua vùng nước ấm phía tây Thái Bình Dương, sức gió mạnh nhất tăng từ 160 lên 290 km/h vào đêm 30/10, trở thành siêu bão và được dự đoán sẽ còn mạnh hơn.
Bão Goni gia tăng sức mạnh trên vùng nước ấm hơn bình thường khoảng 1-1,5°C, được cho do con người làm biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ đại dương toàn cầu tăng lên.
Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng tại bang Hawaii, Mỹ, mô tả Goni là "một cơn rất mạnh". Ảnh vệ tinh cho thấy Goni có hình dạng đối xứng "gần như hoàn hảo" với tâm rõ ràng, đặc trưng của những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất.
Goni được dự đoán di chuyển theo hướng tây và đổ bộ vào trung tâm đảo Luzon, phía tây bắc thủ đô Manila vào khoảng 20h ngày 1/11. Bão có thể suy yếu một chút trước khi đổ bộ. JTWC dự báo sức gió mạnh nhất của Goni khi đổ bộ vào đảo Luzon là 225 km/h.
JTWC cho rằng Goni sẽ trải qua chu kỳ thay thế vòng mắt bão khi các cơn giông lớn quanh tâm bão được tổ chức lại, quá trình thường làm giảm sức gió mạnh nhất song có thể khiến bão có quy mô lớn hơn.
Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) phát cảnh báo về bão Goni, dự báo "mưa dữ dội" bắt đầu tối 31/10 có thể gây lũ lụt và lở đất. PAGASA dự báo gió mạnh có thể gây triều cường cao 2-2,5 m.
Tờ Inquirer của Philippines đưa tin hàng chục nghìn người dự kiến đến các trung tâm sơ tán phải đối mặt cùng lúc với "tai họa kép" từ bão Goni và đại dịch Covid-19. Ricardo Jalad, người đứng đầu Hội đồng Đối phó và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Philippines, khuyến cáo dân chúng đeo khẩu trang, thực hành cách biệt cộng đồng khi tới các trung tâm sơ tán và yêu cầu tránh để các cơ sở này quá tải.
Goni được dự báo sẽ suy yếu khi quét qua đảo Luzon của Philippines, có thể mạnh trở lại khi vào Biển Đông. Tuy nhiên khi di chuyển thêm về hướng tây, Goni có thể lại suy yếu do ảnh hưởng của gió trên cao và không khí khô. Goni có thể đổ bộ vào Việt Nam ngày 4/11.
Philippines năm nay hứng một số cơn bão, song số lượng bão ở khu vực tây Thái Bình Dương ít hơn trung bình nhiều năm. Trận bão gần nhất là Molave, đổ bộ hôm 25-26/10, khiến ít nhất 16 người chết, hàng trăm nghìn người phải sơ tán và nhiều nơi ngập lụt. Bão Molave đổ bộ vào Việt Nam hôm 28/10 khiến hơn 90.000 ngồi nhà tốc mái, 13 tàu cá bị chìm và gây ra nhiều vụ sạt lở vùi lấp hàng chục người.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)