Flycam được IS sử dụng triệt để trong các cuộc tấn công
Binh sĩ lục quân Mỹ đang phải đối mặt với hiểm họa từ các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone), trong đó bao gồm cả flycam. Hiện lực lượng này không có cách nào để chống lại những cỗ máy nhỏ nhưng cực kỳ nguy hiểm như vậy, Sputnik ngày 22/2 đưa tin.
Lính Mỹ đang phải hứng chịu thương vong từ các đợt tấn công bằng flycam của Taliban tại Afghanistan và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq. Chúng thường mua các loại flycam dân dụng, sau đó cài chất nổ để làm drone cảm tử hoặc treo đạn cối và lựu đạn để thả xuống vị trí mục tiêu. Ưu điểm của vũ khí này chính là giá rẻ và hiệu quả, vì chưa có cách nào để phát hiện và ngăn chặn triệt để.
Lục quân Mỹ đã đầu tư 65 triệu USD cho tập đoàn Syracuse để nghiên cứu hệ thống chống flycam. Tuy nhiên, vẫn chưa có lộ trình cụ thể về tổ hợp phòng thủ do Syracuse phát triển.
Lục quân Mỹ hiện chỉ có tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger để đối chọi lại drone. Nó từng chứng tỏ hiệu quả khi bắn rơi nhiều loại trực thăng chiến đấu, nhưng lại quá đắt đỏ khi dùng để tiêu diệt flycam. Một quả Stinger có giá tới 40.000 USD, trong khi drone cài chất nổ chỉ tiêu tốn 100 USD. Tên lửa vác vai cũng không có hiệu quả khi phải đối đầu với một đàn drone cỡ nhỏ với số lượng lớn.
Hy vọng tốt nhất cho lục quân Mỹ là Avenger, mẫu xe Humvee được trang bị 8 quả đạn Stinger. Tuy nhiên, giới quân sự cho rằng đây là lựa chọn tồi vì số lượng tên lửa Stinger quá ít, đồng thời khung gầm Humvee có khả năng di chuyển băng đồng kém, khó có thể theo kịp đội hình tăng thiết giáp bánh xích của lục quân.
Lục quân Mỹ đang phải dựa vào việc tự chế một số hệ thống vũ khí trên chiến trường, điển hình như Hệ thống bảo vệ chống hỏa lực gián tiếp (IFPC). Đây là tổ hợp hoạt động dựa trên kết nối mạng, sử dụng tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder gắn trên bệ phóng mặt đất. Một xe tải Oshkosh có thể chở 15 quả AIM-9X, gấp đôi nền tảng Avenger, trong khi giá một quả đạn Sidewinder chỉ bằng 1/3 tên lửa Stinger.
Tuy nhiên, IFPC vẫn chưa được biên chế cho lục quân Mỹ, hệ thống điều khiển và chỉ huy (IBCS) cũng mới trong giai đoạn phát triển. Kể cả khi đi vào hoạt động, tổ hợp IFPC vẫn phải đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng.
Hiện chưa có hệ thống cảnh báo sớm nào có hiệu quả để phát hiện flycam đối phương. Theo đại tá Edward O'Neill, giám đốc Dự án phát triển và tích hợp tiềm lực, cảm biến phát hiện flycam tốt và đáng tin cậy nhất của lục quân Mỹ hiện nay vẫn là con người.
Vấn đề thứ hai là độ trễ từ khi phát hiện mục tiêu đến lúc khai hỏa. Đây chính là hệ quả của vấn đề đầu tiên, flycam có thể dễ dàng biến mất trước khi người lính có thể xin lệnh bắn từ chỉ huy. Các đơn vị phòng không tầm ngắn (SHORAD) trong tương lai sẽ phải học cách khai hỏa dựa trên đánh giá bản thân mà không cần xin phép cấp trên.
Tử Quỳnh