"Chúng tôi không biết ông ấy có thể làm gì", một sĩ quan tại Lầu Năm Góc cho biết. Một sĩ quan khác nói rằng "chúng tôi đang ở trong giai đoạn kỳ lạ". Vài sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ đang cố gắng tránh xa Nhà Trắng trong tháng tới, khi nỗ lo lắng về những mệnh lệnh bất thường có thể được Tổng thống Donald Trump đưa ra.
Khi Tổng tư lệnh hiện tại chỉ còn khoảng 30 ngày nữa là rời nhiệm sở, các sĩ quan Lầu Năm Góc ngày càng hoang mang về những gì Trump có thể làm trong thời gian còn lại. Liệu Trump có ra lệnh triển khai chiến dịch quân sự bất ngờ, như tấn công Iran, hoặc tìm cách lôi kéo quân đội vào nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử hay không?
Kịch bản trên đáng lo ngại đến mức giới lãnh đạo quân sự Mỹ đã công khai tuyên bố họ sẽ không tham gia vào bất cứ vai trò định đoạt bầu cử nào ở Mỹ.
Hơn 10 sĩ quan giấu tên được CNN phỏng vấn đều cho biết họ ngày càng lo lắng kể từ khi Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tháng 11 và chỉ định Chris Miller làm quyền bộ trưởng. Trump sau đó bổ nhiệm nhiều quan chức được cho là thân tín của mình vào các vị trí quan trọng trong Lầu Năm Góc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, ngày 12/12. Ảnh: Reuters.
Một sĩ quan cho biết mọi người đang "lên danh sách" những gì họ cho rằng Trump có thể làm. Một số người lo ngại sẽ tiếp tục chứng kiến một "làn sóng" sa thải mới ở Lầu Năm Góc, kể cả những vị trí cao cấp nhất.
Truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Trump hôm 18/12 đã thảo luận về ý tưởng thiết quân luật để đảo ngược kết quả bầu cử, vốn được cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn nêu ra, nhưng vấp phải sự phản đối của các trợ lý Nhà Trắng. Trump sau đó đăng trên Twitter rằng thông tin ông có thể "thiết quân luật" là "tin giả và "chỉ là một bản tin tệ hại có chủ ý".
Sau khi Flynn nêu ý tưởng trên kênh Newsmax hôm 18/12, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville và Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy ra tuyên bố chung khẳng định "quân đội Mỹ không đóng vai trò gì trong việc định đoạt kết quả một cuộc bầu cử của Mỹ".
Nhiều tướng lĩnh đã nghỉ hưu của Mỹ chỉ trích ý tưởng thiết quân luật của Flynn. Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Tony Thomas kêu gọi Flynn ngừng đưa ra các luận điệu tương tự vì chúng "làm suy yếu niềm tin phi thường của nước Mỹ với quân đội của mình".
Một số quan chức quốc phòng cho biết nếu Trump ra mệnh lệnh nào trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, giới chức quân đội sẽ xác định chúng có hợp pháp hay không. Nếu mệnh lệnh này hợp pháp, chúng phải được tuân thủ kể cả gây khó chịu. Nếu chúng không hợp pháp và Tổng thống Mỹ không được quyền ra lệnh, các lãnh đạo quân sự sẽ đối mặt với câu hỏi khó về việc làm gì tiếp theo.
Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và cố vấn quân sự hàng đầu của Trump, hồi tháng 11 nêu rõ những gì quân đội được làm và không làm.
"Chúng tôi không tuyên thệ với một cá nhân. Chúng tôi không tuyên thệ trước một quốc gia, một bộ tộc hay một tôn giáo. Chúng tôi tuyên thệ trước Hiến pháp Mỹ", Milley nói và gọi văn bản này là sao Bắc Đẩu. "Đó là cam kết mà các chỉ huy hàng đầu từ lâu đã tuyên thệ sẽ không vi phạm".
Nguyễn Tiến (Theo CNN)