"Hiện tại chúng tôi chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ sơ tán các nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Venezuela", Reuters ngày 12/3 dẫn lời đô đốc Craig Faller, tư lệnh Bộ Chỉ huy phía Nam của quân đội Mỹ. Ông nói thêm rằng các nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ rời Venezuela bằng các phương tiện dân sự.
Trước đó cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Venezuela Elliott Abrams trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao khẳng định việc rút các nhân viên ngoại giao về nước không thay đổi chính sách của nước này với vấn đề Venezuela.
Venezuela ngày 23/1 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ do nước này công nhận và ủng hộ "tổng thống lâm thời" tự phong Juan Guaido. Các nhân viên ngoại giao của Mỹ được ở lại Venezuela để đàm phán về việc duy trì văn phòng đại diện ngoại giao tại quốc gia Nam Mỹ này nhưng không có kết quả. Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza ngày 12/3 cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời quốc gia Nam Mỹ này trong vòng 72 giờ.
Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch đảm bảo an ninh cho tiến trình sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ tại Venezuela nếu căng thẳng chính trị vượt tầm kiểm soát khiến bạo lực bùng phát. Tuy nhiên, khi Tổng thống Donald Trump chưa ra lệnh can thiệp quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn là cơ quan quyết định về việc đảm bảo an ninh cho phái đoàn ngoại giao tại Venezuela.
Lực lượng thủy quân lục chiến bảo vệ đại sứ quán Mỹ tại Venezuela và các lực lượng đặc nhiệm khác sẽ bảo vệ quá trình sơ tán công dân Mỹ nếu tình hình an ninh trở nên xấu đi. Máy bay quân sự và chiến hạm Mỹ có thể được điều động trong trường hợp lực lượng đặc nhiệm phải đối mặt với đối phương có vũ khí hạng nặng.
Nguyễn Tiến