Trưa nay, bão đã vào đến Lý Sơn, Quảng Ngãi. Dự kiến, một loạt các tỉnh miền trung sẽ đón bão. Đại tá Hoàng Văn Sinh, trưởng phòng cứu hộ cứu nạn Quân khu 4 cho biết, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão quân khu quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương của quân khu tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, do Thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng - Phó tư lệnh quân khu chỉ huy. Thành phần gồm có 4 cơ quan quân khu và các phòng chức năng.
14h ngày hôm nay (9/11), sở chỉ huy bắt đầu hoạt động. Bộ chỉ huy quân sự của 6 tỉnh và các đơn vị chủ lực của quân khu phối hợp với các địa phương di dời, sơ tán nhân dân, chằng chéo nhà cửa, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để di dân ra các vùng nguy hiểm. Các đơn vị chủ lực gia cố doanh trại, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện tham gia khi có lệnh của quân khu đi ứng cứu.
Ông Sinh cho biết có 2 vấn đề lo ngại nhất: chỗ ở và lương thực. Nhiều hộ dân chưa kịp khôi phục sau cơn bão 11, nên nếu bão vào người dân vùng cao 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh có thể không có lương thực trong vài ngày.
"Chưa bao giờ quân khu huy động lực lượng người và phương tiện lớn để đối phó với bão và ứng cứu cho nhân dân lớn như lần này", anh Hoàng Nghĩa Thư, trực ban cứu hộ cứu nạn quân khu 4 nói.
Anh Thư cho hay, quân khu đã chuẩn bị lực lượng và phương tiện khổng lồ, trong đó có gần 17.000 chiến sĩ thuộc các đơn vị bộ binh, binh chủng pháo binh, phòng không không quân, thiết giáp, thông tin... Quân khu cũng chuẩn bị 317 ô tô, 29 xe lội nước.
Hàng chục tàu thuyền chống bão các chủng loại đã sẵn sàng. "3 tỉnh Huế, Quảng Bình, Quảng Trị đã lập sở chỉ huy tiền phương, còn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có các đoàn của quân khu đi kiểm tra nắm tình hình để chủ động ứng phó", anh Thư cho hay.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Công điện khẩn yêu cầu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu về bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển bảo đảm an toàn cho các phương tiện của đơn vị đang hoạt động trên biển; sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Quân chủng Phòng không-Không quân có nhiệm vụ kiểm tra lực lượng trực tìm kiếm cứu nạn tại các sân bay; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
"Một khó khăn lớn trong phòng chống lụt bão của nước ta hiện nay là dù lực lượng phương tiện đã được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là khu vực miền Trung, địa hình dốc, hẹp, khả năng cơ động và khó hành động khi có chia cắt", ông Phạm Hoài Giang nói. |
Ông Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc Phòng) cho biết, đã thông báo cho lực lượng Hải quân, cảnh sát biển, biên phòng và lực lượng không quân chuẩn bị sẵn máy bay trực thăng để khi bão tan, không quân hoạt động được thì thực hiện ngay nhiệm vụ. Trước nguy cơ bão có thể làm sụt đổ hàng loạt các khu dân cư, khu công nghiệp, lở núi, thậm chí vỡ hồ đập, Cục đã báo cho các đơn vị công binh của Bộ Quốc phòng sẵn sàng lực lượng ứng cứu sụt lở công trình.
Theo ông Giang, tình huống thiên tai diễn ra rất bất ngờ và đột biến, vì vậy yêu cầu nhiệm vụ phải triển khai nhanh, nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
"May mắn là đến giờ phút này, theo báo cáo của các địa phương, chúng ta chưa có thiệt hại gì do dự báo sớm và chuẩn bị tốt", ông Giang nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có công điện khẩn gửi Sở Thông tin Truyền thông các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên và các nhà mạng về việc triển khai công tác đối phó với siêu bão Haiyan. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cảnh báo với khách hàng và điều bổ sung xe thông tin cơ động cho các tỉnh Trung Trung Bộ, sẵn sàng thiết bị cơ động vệ tinh để phục vụ khi có yêu cầu.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết đã thành lập 10 đội chỉ huy tiền phương, 272 đội ứng cứu thông tin cơ động với hơn 1.000 cán bộ kỹ thuật được trang bị đầy đủ vật tư thiết bị, vật dụng...túc trực tại vị trí trọng yếu thuộc các tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tập đoàn đã điều 5 xe phát sóng cơ động, 225 máy phát điện, 30 canô chuyển bổ sung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. 5 máy thông tin quân sự sóng ngắn cũng được bố trí tại đây.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết đã điều bổ sung thiết bị cố gắng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
Tập đoàn đã bố trí xe thông tin vệ tinh tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng đến vùng tâm bão, đồng thời, cho các xe phát sóng lưu động trực tại các điểm trọng yếu phục vụ thông tin liên lạc. 25 xe di động đã được chuyển từ Hà Nội vào Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng.
Bộ Giao thông vận tải cũng lập Ban chỉ huy tiền phương đặt tại Khu quản lý đường bộ 5 để ứng phó cơn bão Haiyan. Các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam được lệnh đảm bảo duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng, sẵn sàng tham gia ứng cứu. Các sân bay, nhà ga tăng cường kiểm tra hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành, chỉ huy sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Hôm nay, nhiều sân bay đóng cửa sớm từ 21h để tránh bão nên các hãng hàng không phải đẩy sớm giờ bay. Vietnam Airlines đẩy sớm hơn từ 1 đến 3 giờ với 7 chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng. Trên hai đường bay giữa Hà Nội - Huế và TP HCM - Huế, hãng cũng đẩy sớm từ 2 đến 3 giờ đối với bốn chuyến. Riêng trên đường bay Hà Nội - Chu Lai (Quảng Nam), hãng huỷ hai chuyến.
Do tình hình bão diễn biến phức tạp, hãng dự kiến hủy tất cả các chuyến bay được khai thác đi/đến sân bay Đà Nẵng và Huế trước 12h.
Trong khi đó, các đơn vị Quản lý đường thuỷ nội địa đang rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Tổng cục đường sắt yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, khu vực hay xảy ra lũ quét, các đọan đường đèo dốc, đá rơi...
15h chiều nay, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp giữa đại diện các ban ngành bàn phương án đối phó với bão Haiyan.
Nhóm Phóng viên