Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cùng Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng) chỉ đạo cuộc diễn tập.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng) và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) theo dõi, chỉ đạo cuộc diễn tập. Ảnh: VGP |
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND, Thứ trưởng Quốc phòng, toàn quân diễn tập vận hành cơ chế và huấn luyện thực binh theo 5 vấn đề, tương ứng với các cấp độ dịch.
Trong đó, dịch ở cấp độ 1 là khi Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam; cấp độ 2, dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trong nước; cấp độ 3, dịch lây lan từ trên 20 người đến 1.000 người mắc.
Cấp độ 4, dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc nCoV. Và ở cấp độ 5, trên 3.000 đến 30.000 người mắc bệnh, đã lây lan vào một số đơn vị quân đội.
"Đây là cuộc diễn tập phòng, chống dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay của quân đội, có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Các đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm túc, với quyết tâm quân đội là lực lượng xung kích, mỗi quân nhân là một chiến sĩ quân y", Thượng tướng Phan Văn Giang nói.
Trung đoàn không quân 916 diễn tập vận chuyển thuốc men, thực phẩm tới khu vực có dịch trong tình huống diễn tập sáng 4/3. Ảnh: Hoàng Thùy |
Quá trình diễn tập, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Quốc phòng nghe đại diện một số đơn vị báo cáo, theo dõi triển khai xử lý tình huống ở 224 điểm cầu truyền hình.
Trong đó, ở cấp độ 3, các đơn vị tập trung xử trí tình huống công dân Việt Nam từ quốc gia có dịch về nước với số lượng lớn, nhiều trường hợp nghi nhiễm nCoV.
Với cấp độ 4 và 5, dịch lây lan trong cộng đồng và vào một số đơn vị quân đội, các lực lượng thực hành dồn ghép nơi ăn ở, sinh hoạt để bố trí doanh trại tiếp nhận công dân; tiếp tục vận chuyển, cách ly, theo dõi công dân từ các quốc gia có dịch về. Lúc này, quân đội sẽ triển khai Bệnh viện truyền nhiễm dã chiến số 1 tại Sơn Tây (Hà Nội), quy mô 600 giường bệnh để tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân.
Quân đội cũng phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm... Binh chủng Hóa học huy động lực lượng, trang bị tiến hành tiêu tẩy độc, khử trùng các khu vực liên quan.
Ngoài ra, quân chủng Phòng không - Không quân được giao sử dụng máy bay trực thăng vận chuyển trang bị, lực lượng phòng, chống dịch cho một số khu vực biên giới.
Tình huống diễn tập là Tư lệnh Quân khu 2 báo cáo ở lối mở Kẻng Mỏ của Mường Tè và khu vực Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), công dân Việt Nam trở về nước rất nhiều do diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc. Trong khi đó, máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang, thuốc sát trùng, khử khuẩn..., đáp ứng cho quân y ở đây đang thiếu, chưa bảo đảm tại chỗ. Mưa lũ, mưa đá khiến đường bộ bị tắc, không thể đi lại.
Do vậy Bộ tổng tham mưu xin Bộ trưởng Quốc phòng cho sử dụng không quân chi viện người và hàng hóa cho Quân khu 2.
Huấn luyện thực binh khử trùng tại bệnh viện dã chiến, Trường sĩ quan Lục quân I (Sơn Tây). Ảnh: Gia Chính |
Tại Nghệ An, Bệnh viện quân y 4 triển khai tình huống giả định ở cấp độ 5 là có 3 bệnh nhân nghi nhiễm nCoV ở tuyến dưới chuyển tới.
Đại tá Phạm Đình Hinh - Phó giám đốc Bệnh viện quân y 4 nói, tình huống diễn tập có tính thực tiễn, nâng cao khả năng tham gia chống dịch của cán bộ, chiến sĩ và ý thức phòng bệnh trong cộng đồng. "Mặc dù tình huống giả định, song chúng tôi coi như tình huống thật để khi có bệnh nhân thì sẵn sàng xử lý theo đúng kịch bản", ông Hinh cho hay.
Qua hơn 2 giờ thực hành, cuộc diễn tập phòng, chống dịch của quân đội được đánh giá đạt yêu cầu đề ra. "Đây không chỉ đơn thuần ứng phó với dịch bệnh, mà còn là diễn tập cho các tình huống an ninh phi truyền thống trong tương lai, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo ông, có 5 yêu cầu trong phòng, chống Covid-19 là không để lây lan rộng; không để đội ngũ y tế bị lây nhiễm, lây chéo; không để có người chết; không để tâm lý xã hội hoảng loạn, chủ quan; không để ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế xã hội, hợp tác quốc tế.
"Đến nay về cơ bản đã đạt được 5 yêu cầu đó. Ở đây cách ly là giải pháp đúng đắn. Việt Nam cần kiên trì nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch", Phó thủ tướng nói.
Trong một tuần tới, nếu không xuất hiện thêm ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ đến thời hạn có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Do vậy, Việt Nam phải chuyển trạng thái từ ngăn chặn sang "vừa ngăn chặn, vừa giảm lây lan trong cộng đồng; đồng thời phải lường trước nhiều khả năng biến động tiêu cực để có giải pháp ứng phó thích hợp".
Nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, lơ là, Phó thủ tướng nêu rõ "ngắt dịch sớm, chúng ta sẽ tận dụng được thời cơ là quốc gia an toàn để phát triển kinh tế - xã hội".