"Mũi vaccine Covid-19 thứ ba không phải mũi tiêm xa xỉ tước đi từ những người đang chờ được tiêm liều đầu tiên. Về cơ bản đó chỉ là cách đảm bảo an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất", Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết hôm 30/8.
Tuyên bố được quan chức WHO đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm nCoV tăng cao ở châu Âu và quá trình tiêm chủng ở khu vực đang chững lại, tạo ra tình huống "đáng lo ngại sâu sắc".
Theo tiến sĩ Kluge, hơn 30 trong số 53 nước thành viên khu vực châu Âu của WHO đã báo cáo tỷ lệ tăng ca nhiễm trong 14 ngày ít nhất 10%, trong khi tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là với các nhóm có nguy cơ cao, vẫn còn thấp ở một số quốc gia.
Lãnh đạo WHO khu vực châu Âu còn cảnh báo tâm lý hoài nghi vaccine và phủ nhận khoa học đang ngăn cản một số quốc khu vực này kiểm soát đại dịch.
Tuyên bố của tiến sĩ Kluge trái ngược với quan điểm trước đó của WHO, khi tổ chức này hồi đầu tháng tuyên bố rằng chưa có dữ liệu cho thấy cần phải tiêm mũi vaccine tăng cường. WHO còn cảnh báo tiêm mũi vaccine thứ ba sẽ gia tăng bất bình đẳng về vaccine giữa các nước giàu và các nước thu nhập thấp.
Gần 850 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở châu Âu trong 8 tháng qua và gần một nửa dân số khu vực này đã được tiêm chủng đầy đủ. Một số nước trong khu vực như Pháp, Đức đang lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường.
Tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường vẫn là vấn đề gây tranh cãi vì chưa rõ bao nhiêu người cần tiêm và tần suất ra sao. Một số nhà khoa học cũng đặt câu hỏi liệu có đủ bằng chứng cho thấy mũi tiêm tăng cường là cần thiết, đặc biệt là đối với người trẻ khỏe.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)