"Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố là một liên minh phòng thủ khu vực, nhưng lại tự mâu thuẫn khi tìm cách vi phạm giới hạn địa lý và mở rộng chương trình nghị sự, gây chia rẽ và căng thẳng, kích động đối đầu và tăng cường quan hệ quân sự với các nước châu Á - Thái Bình Dương", ông Trương viết trên Twitter.
"NATO nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh lỗi thời và đối đầu theo khối, đồng thời ngừng tạo ra những kẻ thù tưởng tượng và gây bất ổn cho châu Âu cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức này nên đóng góp cho hòa bình và ổn định ở châu Âu và hơn thế nữa, thay vì chỉ đơn thuần là một bên gây rối".
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đồng thời thêm rằng tất cả các quốc gia nên cùng hướng tới "lợi ích chung". "Chỉ khi tất cả các nước theo đuổi mục tiêu vì lợi ích chung, chung sống hòa thuận và hợp tác, thì mới có một tương lai tươi sáng cho nhân loại", ông nói.
Trong tài liệu chiến lược được công bố tháng 6 năm ngoái, NATO lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là "thách thức". NATO còn cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các thành viên trong liên minh bằng những "hoạt động không gian mạng độc hại và luận điệu đối đầu". "Trung Quốc sử dụng một loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và phô diễn sức mạnh toàn cầu, trong khi mập mờ về chiến lược, ý định và các hoạt động tăng cường quân đội", tài liệu có đoạn viết.
Sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ, hôm 15/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho hay họ đã nhất trí về tầm nhìn quốc phòng mà liên minh hướng tới, trong đó nhấn mạnh những thách thức Trung Quốc đặt ra.
Đáp lại bình luận từ Tổng thư ký Stoltenberg, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua bày tỏ quan ngại và cho rằng NATO "phỉ báng" chính sách đối ngoại của nước này khi xem Bắc Kinh là thách thức.
Vũ Hoàng (Theo Fox News)