"Là người bạn thân thiết của nước Nga, ông Giang Trạch Dân đã có những đóng góp vô giá cho sự phát triển quan hệ Nga - Trung", Điện Kremlin hôm 30/11 ra tuyên bố, dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp chia buồn gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Điện Kremlin cho biết Nga sẽ "mãi mãi ghi nhớ ký ức tươi sáng" về ông Giang Trạch Dân.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng ngày gửi lời chia buồn, nhắc lại chuyến thăm Nhật Bản của ông Giang Trạch Dân vào năm 1998. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc, cũng là dịp hai bên ra tuyên bố chung về xây dựng quan hệ đối tác hữu nghị và hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định ông Giang Trạch Dân không chỉ thúc đẩy cải cách kinh tế góp phần phát triển đất nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Nhật - Trung.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của ông Giang Trạch Dân.
"Ông Giang là lãnh đạo và chính khách sáng suốt. Tại Pakistan, chúng tôi trìu mến nhớ về ông ấy như người bạn tuyệt vời, người đã có những đóng góp quý báu trong củng cố quan hệ Pakistan - Trung Quốc", ông Sharif viết trên Twitter.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đăng thông điệp trên Twitter, bày tỏ chia buồn chân thành tới nhân dân Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình vì sự ra đi của ông Giang Trạch Dân.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 11, đại diện của Ghana tại Liên Hợp Quốc Harold Agyeman đã thay mặt Hội đồng Bảo an gửi lời "chia buồn sâu sắc nhất" tới Trung Quốc. Các đại biểu tại Hội đồng Bảo an cũng dành một phút mặc niệm ông Giang trong cuộc họp tại New York.
Ông Giang Trạch Dân qua đời hôm 30/11 ở tuổi 96 tại phố Thượng Hải, nơi ông gắn bó gần như cả cuộc đời.
Theo đài truyền hình CCTV, quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh và các tòa nhà chính phủ đã treo cờ rủ. Trụ sở các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài cũng sẽ treo cờ rủ trong thời gian để tang. Trung Quốc chưa công bố chương trình tổ chức tang lễ cho ông Giang Trạch Dân.
Ông Giang là lãnh đạo nòng cốt trong thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Trung Quốc, kéo dài từ năm 1992 đến 2003, được coi là giai đoạn bùng nổ của kinh tế Trung Quốc với học thuyết "Ba đại diện". Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã trải qua thời kỳ phát triển bền vững với một loạt cải cách, thu hồi Hong Kong từ Anh và Macau từ Bồ Đào Nha.
Ngọc Ánh (Theo AFP)