"Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ rằng các hệ thống phòng không trên thế giới không phải lúc nào cũng phát hiện được mục tiêu chỉ đúng khi nói về một tổ hợp Patriot bảo vệ mục tiêu đơn lẻ. Tuy nhiên, Mỹ đã triển khai mạng lưới phòng không rất mạnh với lưới radar cảnh giới dày đặc trên lãnh thổ Arab Saudi, đặc biệt là ở khu vực phía bắc", quan chức Bộ Quốc phòng Nga giấu tên nói hôm 19/9.
Theo quan chức này, nếu mạng lưới phòng không mạnh như vậy không ngăn chặn được đòn tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) vào hai nhà máy lọc dầu ở phía bắc Arab Saudi, điều đó chứng tỏ các thông số của lá chắn Aegis và Patriot không thể hiện hiệu suất chiến đấu thực tế và chúng tỏ ra kém hiệu quả khi đối phó với máy bay cỡ nhỏ và tên lửa dẫn đường.
Quân đội Arab Saudi được cho là đang triển khai 88 bệ phóng Patriot, trong đó 52 bệ phóng là phiên bản PAC-3 mới nhất, nhằm bảo vệ khu vực biên giới phía bắc khỏi các mối đe dọa từ Iran. Ngoài ra, hải quân nước này còn sở hữu ba tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường trang bị 100 tên lửa phòng không SM-2 thường xuyên tuần tra vùng biển ngoài khơi vịnh Ba Tư.
"Vụ tấn công cho thấy các hệ thống phòng không này không thể đẩy lùi đòn tập kích sử dụng lượng lớn vũ khí tấn công đường không", người này nói thêm.
Tuyên bố được quan chức Nga đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua lý giải nguyên nhân các tổ hợp Patriot trên lãnh thổ Arab Saudi không chặn được cuộc tấn công nhà máy dầu của tập đoàn Aramco. "Chúng ta từng thấy các hệ thống phòng không khắp thế giới gặp thất bại. Những khí tài hiện đại nhất không phải lúc nào cũng phát hiện được mục tiêu", Pompeo nói.
Riyadh từng đầu tư hàng tỷ USD cho hệ thống phòng không tầm xa Patriot của Mỹ. Tuy nhiên, toàn bộ lưới phòng thủ của Arab Saudi đã không phát hiện trong vụ tấn công, đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực của quân đội nước này cũng như các vũ khí đắt tiền của Mỹ.
Đây không phải là lần thất bại đầu tiên các tổ hợp Patriot Arab Saudi. Phòng không nước này từng phóng hàng loạt tên lửa Patriot PAC-2 vào ngày 25/3/2018 để đánh chặn ít nhất 7 tên lửa được phiến quân Houthi của Yemen phóng vào lãnh thổ. Tuy nhiên, hình ảnh được công bố trên mạng xã hội cho thấy nhiều tên lửa Patriot phát nổ giữa chừng hoặc chệch khỏi hành trình. Một tên lửa được cho là rơi xuống đất, khiến một dân thường thiệt mạng.
"Đây không khác gì một vệt thảm họa kéo dài với loại vũ khí này", Theodore Postol, chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts, bình luận về tên lửa Patriot.
Riyadh sau đó dường như nhận ra nhu cầu về hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn và đã thảo luận về khả năng mua tên lửa S-400 từ Nga, tương tự thương vụ gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, bình luận viên Marc Champion của Bloomberg cho biết.
Theo Champion, tên lửa S-400 Nga chưa trải qua nhiều kinh nghiệm thực chiến nhưng có các đặc tính kỹ thuật vượt trội so với Patriot Mỹ. Nó có tầm bắn 400 km, so với tầm bắn chỉ 160 km của Patriot và có thể hạ mục tiêu di chuyển nhanh gấp hai lần. S-400 có thể sẵn sàng chiến đấu trong 5 phút, so với thời gian một giờ của khẩu đội Patriot.
Ngoài ra, Nga còn thường bố trí S-400 cùng với tổ hợp Pantsir-S1 để đối phó với những tên lửa tầm ngắn, bay thấp vốn dễ lọt qua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm xa. Các tổ hợp Pantsir-S1 này đã chứng minh được hiệu quả chiến đấu khi đẩy lùi nhiều cuộc tập kích bằng UAV của phiến quân Syria vào căn cứ Hmeymim.
Vũ Anh (Theo Sputnik)