"Chỉ cần mặc thêm áo len, chúng ta đều có thể chịu được mức nhiệt 15 độ trong phòng. Nhiệt độ như vậy không làm ai chết được", Peter Hauk, quan chức phụ trách nông nghiệp của bang Baden-Wurttemberg, khu vực tây nam Đức, nói hồi tuần trước.
Ông Hauk khuyên thay vì để nhiệt độ máy sưởi ở mức 20 độ dễ chịu, người Đức nên điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp vài độ như một biện pháp hỗ trợ đất nước nói không với khí đốt Nga ngay lập tức.
"Chúng ta phải chặn nguồn tiền cho ông Putin để tạo cơ hội cho tự do quay trở lại. Trong khi có những người đấu tranh cho tự do khiến bản thân bị bắn, bị ném bom, thì chúng ta lại ủng hộ họ bằng cách nói rằng 'vẫn nên duy trì nhiệt độ máy sưởi trong phòng là 20, 22 độ'", quan chức Đức nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Hauk sau đó hứng chỉ trích mạnh mẽ từ người dân, đặc biệt là Hiệp hội Người thuê nhà Đức, cáo buộc ông không hiểu gì về người cao tuổi và người làm việc tại nhà. Hiệp hội chỉ trích lời khuyên hạ nhiệt độ máy sưởi và mặc thêm áo len trong nhà có thể khiến người dân đổ bệnh trong những tháng mùa đông.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuần trước đã công bố kế hoạch nhanh chóng cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, song vẫn cảnh báo hậu quả nặng nề nếu áp cấm vận dầu khí lập tức.
Habeck ước tính Đức sẽ không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, nếu mọi chuyện thuận lợi. Ông khẳng định quá trình cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga "đang diễn ra với tốc độ không thể tưởng tượng nổi".
Khí đốt từ Nga, được chuyển tới Đức qua các đường ống cố định, sẽ là nguồn cung năng lượng mà Berlin khó loại bỏ nhất. Đức hiện nhập khẩu 55% khí đốt của Nga. Một nửa lượng than của Đức cũng mua từ Nga, nhưng gần đây Berlin đã tìm thêm nhiều nguồn cung khác.
Trong khi Mỹ và một số nước Đông Âu trong NATO kêu gọi tẩy chay năng lượng Nga ngay lập tức để phản ứng với chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức và một số nước khác vẫn e dè, cho rằng quyết định như vậy gây thiệt hại quá lớn về kinh tế.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng từng cảnh báo việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga quá vội vã có thể khiến hàng trăm nghìn người thất nghiệp và gây ra suy thoái kinh tế.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/3 ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga.
Ngọc Ánh (Theo Die Welt)