Triều Tiên hôm qua dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ vào ngày 12/6 ở Singapore. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã nhắc đích danh Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và bày tỏ ác cảm với ông.
Bolton hồi đầu tuần gợi ý áp dụng "mô hình Libya" cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông muốn Triều Tiên loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, tháo dỡ chúng và đưa đến Tennessee giống như Libya. Cuối năm 2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đồng ý loại bỏ chương trình hạt nhân và kho vũ khí hóa học của nước này để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nhưng sau đó Gaddafi bị giết vào năm 2011 trong một cuộc nổi dậy được NATO hậu thuẫn.
Vì vậy, Triều Tiên tức giận trước đề xuất của Bolton, gọi bình luận của ông là "hành động nham hiểm để áp đặt số phận của Libya" với Triều Tiên đồng thời bày tỏ nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ.
Nhà Trắng sau đó cố gắng tách biệt quan điểm của họ với bình luận của Bolton. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Mỹ sử dụng "mô hình Trump", tức là tùy thuộc vào điều Tổng thống cho là hợp lý.
Bolton, 69 tuổi, người trở thành cố vấn an ninh quốc gia chưa đầy hai tháng trước, không phải là cái tên mới đối với Triều Tiên. Ông từng là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời chính quyền George W. Bush. Truyền thông nhà nước Triều Tiên từng gọi Bolton là "cặn bã" và "kẻ hút máu" vì cho rằng ông là người đã thuyết phục Bush từ bỏ Khung Thỏa thuận với Triều Tiên năm 1994 về vấn đề hạt nhân. Trước khi gia nhập chính quyền Trump, Bolton đã ủng hộ phương án Washington tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng, theo AFP.
Cố vấn An ninh Quốc gia luôn thể hiện rõ ông theo đường lối cứng rắn về các vấn đề nóng, khiến truyền thông Mỹ thường nhắc đến ông là quan chức "diều hâu". "Bolton nói với chúng tôi: chúng ta muốn các biện pháp trừng phạt gây tổn thương thật nặng, không có loại trừ nào", một nhà ngoại giao châu Âu kể về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Liên minh châu Âu và Mỹ về Iran.
Những diễn biến xoay quanh Triều Tiên gây lo ngại về khả năng đối đầu giữa Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Bolton cho rằng Triều Tiên không nên nhận được bất kỳ lợi ích nào, kể cả việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cho đến khi họ từ bỏ hoàn toàn cơ sở vật chất hạt nhân. Trong khi đó, Pompeo đặt trọng tâm vào việc hứa hẹn đầu tư Mỹ sẽ đổ vào Triều Tiên nếu họ đồng ý phi hạt nhân hóa.
Ít nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng sẽ đi xa đến mức hủy cuộc họp tại Singapore. Họ đánh giá Triều Tiên chỉ đang muốn nâng cái giá Washington phải trả để có được nhượng bộ từ Triều Tiên.
"Mục tiêu của họ là thay đổi chủ đề từ điều Mỹ muốn nói là phi hạt nhân hóa sang trọng tâm mà Bình Nhưỡng muốn: các cuộc tập trận Mỹ - Hàn, mối đe dọa từ Mỹ và liên minh Mỹ - Hàn", Evans JR Revere, cựu quan chức ngoại giao dưới thời George W. Bush nói.
Tuy nhiên, một số quan chức gợi ý rằng Trump vẫn cần kiềm chế Bolton để tránh dâng cao căng thẳng. Chuyên gia Thomas Wright tại viện Brookings ở Washington đánh giá Trump cuối cùng có thể phải "chia tay" Bolton.
"Trump rõ ràng thích các tuyên bố cứng rắn của Bolton nhưng họ có những khác biệt thực sự. Trump thực sự lo lắng rằng Bolton quá quan tâm đến việc phát động chiến tranh thay vì chỉ đe dọa Triều Tiên", Wright viết.
Phương Vũ