Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cuối tuần trước dẫn đầu phái đoàn Mỹ họp với Triều Tiên tại Panmunjom để thảo luận về cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nước, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy hội nghị.
Giới quan sát cho rằng Kim là lựa chọn hợp lý của Trump trong nỗ lực duy trì cuộc gặp rất được mong đợi giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Sung Kim sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 1960, đến Mỹ vào năm 1973 và trở thành công dân Mỹ vào năm 1980. Ông sau đó gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1988, bắt đầu sự nghiệp với một vị trí ở Hong Kong rồi đảm nhận các vị trí ở Malaysia, Nhật và nhiều lần ở Hàn. Ông từng nhiều lần làm việc tại Seoul và đáng chú ý nhất là trở thành đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc năm 2011-2014, theo NK News.
Trong khi ở Washington, ông giữ các chức vụ về vấn đề Đông Á, Trung Quốc và Triều Tiên. Với tư cách là đặc phái viên Mỹ cho các cuộc đàm phán 6 bên với Triều Tiên năm 2008-2011, công việc của Kim chủ yếu tập trung vào việc thực hiện thỏa thuận năm 2007. Theo đó, Triều Tiên vô hiệu hóa chương trình vũ khí để đổi lấy nhiên liệu và viện trợ kinh tế từ Mỹ.
Ồng đã dự lễ phá hủy lò phản ứng hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên vào tháng 6/2008, gọi đây là "bước vô hiệu hóa rất quan trọng" trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kim cố gắng giữ cho thỏa thuận được duy trì và gặp gỡ với các đối tác Triều Tiên trong suốt mùa hè năm 2008, nhưng nó cuối cùng đổ bể vào tháng 12 năm đó.
Năm 2014, sau ba năm làm đại sứ tại Hàn Quốc, ông trở thành đại diện đặc biệt của Mỹ đối với chính sách Triều Tiên. Trong giai đoạn này, quan hệ Mỹ - Triều Tiên chủ yếu được đánh dấu bằng các cuộc thử nghiệm tên lửa và trừng phạt quốc tế. Vụ thử hạt nhân thứ năm của Triều Tiên diễn ra vào tháng 9/2016, ngày cuối cùng ông giữ vị trí và chỉ một tháng trước khi ông trở thành đại sứ tại Philippines.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ năm của Triều Tiên, ông thừa nhận "thất vọng và lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt và áp lực không dẫn đến thành công ngay lập tức", nhưng ca ngợi các biện pháp trừng phạt "khiến Triều Tiên khó kiếm ngoại tệ để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp".
Tại cuộc đối thoại hợp tác Đông Bắc Á lần thứ 26 tại Bắc Kinh tháng 6/2016, Kim từng gặp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui - đối tác chính của ông trong cuộc đàm phán tuần này tại Triều Tiên. Vì vậy, Choe và Kim có thể hiểu biết lẫn nhau, mặc dù các quan chức Mỹ cho biết không có cuộc họp chính thức nào giữa hai người ở Bắc Kinh năm 2016.
Chuyên gia Joseph Y. Yun nhận định mục tiêu của Sung Kim khi gặp quan chức Triều Tiên lần này có thể là thống nhất một tài liệu nêu chi tiết ba bước Triều Tiên sẵn sàng cân nhắc thực hiện nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Bước đầu tiên là một thông báo về việc Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân ở mức độ nào. Bước thứ hai là quyết định xem bằng cách nào và bao giờ Triều Tiên sẽ cung cấp bằng chứng về quá trình trên cho Mỹ và cuối cùng là xác định xem Washington sẽ chứng thực những tuyên bố từ Bình Nhưỡng ra sao.
"Với tư cách là một cá nhân đã có sẵn quan hệ với các nhà đàm phán Triều Tiên và là người ủng hộ thỏa thuận phi hạt nhân hóa năm 2007, Kim giờ có thể được coi là tài sản quý giá của chính quyền Trump", Colin Zwirko, biên tập viên của NK News, nói.
Phương Vũ