
Một tên lửa chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan. Ảnh: Indian Defense Review.
"Pakistan sẽ không ngần ngại sử dụng kho vũ khí hạt nhân nếu họ nhận thấy sẽ thất bại trước Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh thông thường", PTI hôm nay dẫn tuyên bố của Amarinder Singh, thủ hiến bang Punjab của Ấn Độ.
Singh cho rằng Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này không có lợi cho cả hai nước, nhưng Islamabad hoàn toàn có thể hành động mạo hiểm nếu họ bị dồn vào chân tường.
Theo quan chức Ấn Độ, Pakistan đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế lớn và phải đi tìm kiếm cứu trợ khắp nơi, do đó sẽ không đủ tiềm lực để đối đầu với New Delhi trong một cuộc chiến toàn diện.

Tương quan sức mạnh quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
Xung đột vũ trang giữa Pakistan và Ấn Độ bùng lên sau khi không quân Ấn Độ sáng 26/2 tiến hành không kích địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố Jaish-e-Mohammed ở bên kia Đường Kiểm soát, biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir. Jaish-e-Mohammed là nhóm Hồi giáo chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom tự sát hôm 14/2 ở thành phố Srinagar khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Islamabad đóng cửa toàn bộ không phận từ hôm 27/2, sau khi nổ ra trận không chiến lớn nhất giữa Pakistan và Ấn Độ kể từ năm 1971 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir. New Delhi tuyên bố triển khai 8 tiêm kích các loại để đánh chặn 24 chiến đấu cơ Pakistan đang tìm cách đáp trả, bắn hạ một tiêm kích F-16 và mất một máy bay MiG-21. Phi công Ấn Độ nhảy dù xuống lãnh thổ Pakistan và bị bắt, sau đó được Islamabad trả tự do vào đêm 1/3 để giảm căng thẳng.
Tình hình hiện nay ở khu vực Kashmir đã hạ nhiệt đáng kể sau các vụ đấu pháo và không chiến. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo căng thẳng giữa hai nước vẫn âm ỉ và có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào.

Khu vực các bên kiểm soát tại Kashmir. Đồ họa: CNN.