Nằm sâu bên trong chợ Vinh ( TP Vinh, tỉnh Nghệ An), lối đi vào là những hàng đồ sắt, inox quanh co như một mê trận, quán cà phê của ông Long đã tồn tại được hơn 20 năm. Ông chủ sinh năm 1961 cho biết, khi mở quán, ông chẳng có mục đích gì ngoài sở thích uống cà phê. "Sau khi đi bộ đội về vào năm 1992, tôi quyết định mở hàng bán cà phê", ông Long nói.
Năm 2018, trào lưu cà phê bọt nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Nhiều kênh ẩm thực cho ra video hướng dẫn cách thực hiện thức uống này thì ông Long đã thành thục cách pha chế từ lâu.
Theo ông Long, không chỉ bây giờ mà cách đây 20 năm, cà phê đã được nhiều người ưa thích vào mỗi buổi sáng. Quầy hàng nhỏ của ông chủ yếu phục vụ khách là người buôn bán trong chợ. Nhờ sự độc đáo, hương vị gây ấn tượng, tiếng lành đồn xa, nhiều du khách cũng tìm đến thưởng thức trong vài năm trở lại đây.
Nhất quyết không chia sẻ cách pha chế, ông Long đặt hết các dụng cụ ở trong hộc bàn, cũng là chỗ để khách ngồi thưởng thức. Tay nhanh thoăn thoắt, ông cho các nguyên liệu vào rồi ngay lập tức, âm thanh từ chiếc máy đánh trứng như phá tan không khí tĩnh mịch của khu chợ lúc 6h sáng.
Chỉ 2 phút sau đó, ông giơ lên chiếc ca chứa hỗn hợp sánh đặc, có màu vàng, khi dốc ngược, không rơi ra ngoài. "Bọt làm sao phải quyện chặt, dính vào nhau mà không rớt ra ngoài mới là đúng cách", ông nói.
Ông chủ chỉ làm bọt khi có khách gọi chứ không làm sẵn. Giải thích điều này, ông Long cho hay: "Để giữ được mùi thơm và độ sánh đặc của lớp bọt".
Chậm rãi và tỉ mỉ, ông rót một lượng cà phê nguyên chất vừa đủ vào hàng ly thủy tinh dài tăm tắp trước mặt. Việc xếp đặt này giúp ông canh được lượng cà phê đều cho mỗi ly.
Trước đó, ông đã cho đường hoặc sữa theo yêu cầu của khách. Tiếp đến là một ít đá đã được đập nhuyễn. Lớp bọt được cho vào sau cùng ở bên trên.
Ngoài vị đắng đặc trưng, cà phê bọt còn có vị béo từ lớp bọt và mùi thơm đặc trưng. Tùy theo sở thích mà bạn có thể yêu cầu ly nâu hoặc đen (có hoặc không có sữa). Giá mỗi ly cà phê chỉ 10.000 đồng.
Khi thưởng thức, bạn có thể từ tốn dùng lớp bọt bên trên trước hoặc khuấy đều lên cùng lớp cà phê bên dưới.
Sát cánh cùng ông Long nhiều năm qua là bà Lý (sinh năm 1966), vợ của ông. Vì thế mà quán mang tên Long Lý. Người phụ nữ trung niên đảm nhận phần việc bưng bê cho khách ở trong chợ và gói cà phê cho khách mua mang đi.
Có người uống một lúc 2 ly mới cảm thấy "đã" để khởi đầu một ngày mới. Ông Bình (hơn 50 tuổi) là khách quen của quán hơn chục năm nay cho hay, ban đầu khi mới thưởng thức, ông không hề ấn tượng với cách pha chế này. "Uống riết rồi quen, quen rồi đến ghiền. Ngày nào tôi cũng chạy xe ra chợ để uống cà phê bọt rồi mới về làm việc được", ông Bình nói.