Nuốc là tên gọi theo tiếng địa phương về một loài nhuyễn thể không chân có nhiều vào mùa hè trong vùng đầm phá nước lợ ở Huế. Nuốc cùng họ với sứa nhưng nhỏ chỉ bằng khoảng nửa trái chanh. Cứ vào mùa hè, nuốc được ngư dân vớt lên, ngâm vào nước và bán cho các chợ đầu mối.
Nuốc thường để làm gỏi ăn kèm rau sống hoặc nấu bún. Bún giấm nuốc là món ăn có tên trong danh sách ẩm thực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến du khách.
Quán bún mệ Lành nhỏ nằm dưới tán bồ đề, được bày vài chiếc bàn và ghế nhựa. Không gian chỉ đủ chỗ phục vụ cùng lúc 20- 25 người song lúc nào cũng đông khách tìm đến thưởng thức.
Mệ Lành bảo, quán đông bởi đây là quán bún giấm nuốc duy nhất ở TP Huế và chỉ mở vào mùa hè. Quầy chế biến được đặt bên trong hiên nhà, gồm hai nồi nước sốt, xung quanh là các topping như nuốc, ram chiên, tôm, rau sống. Nuốc được chế biến sạch sẽ, ngâm với lá ổi vò nát để giữ độ giòn. Mệ Lành cho biết món ăn này đặc biệt là nhờ nước sốt được làm từ măng chua và gạch tôm đi kèm, hòa trộn với nhiều loại gia vị khác. Nước sốt đặc sánh, nấu dựa trên công thức riêng của mệ. Khi ăn, thực khách có thể nêm mắm ruốc và ớt tươi xay để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Quán chỉ bán vào mùa hè, từ tháng 2 đến tháng 8 hoặc 9, dù nuốc có quanh năm. "Người ta ít ăn nuốc mùa mưa, mùa nuốc không đạt chỉ tiêu nên mệ không bán" mệ Lành nói và cho biết khách ngoại tỉnh thường được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu đến quán, một số biết thông tin qua bạn bè hoặc các trang mạng xã hội. Khách địa phương đến đây ăn thường xuyên, chiếm hơn một nửa.
Bún mệ Lành thường mở từ 13h đến chiều tối hằng ngày và đông khách vào khoảng 16h đến 17h30, khi thời tiết Huế đã trở nên mát mẻ hơn. Trung bình mỗi ngày quán bán 20 - 30 kg bún, mỗi tô có giá 35.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Khanh, 42 tuổi, nhân viên văn phòng ở Huế, cho biết thường đến quán ăn mỗi khi rảnh. Món bún ăn lạ miệng, mát mát, phù hợp để ăn nhẹ vào buổi chiều. Tuy nhiên, thời gian ngồi chờ lên món khá lâu vì quán đông khách.
Minh Thảo