Tiệm bún bò của bà Vũ Thị Kim Dung trong hẻm số 7B đường Thành Thái, rộng khoảng 3 m vừa đủ chiếc ô tô đi qua nhưng luôn đông khách mỗi sáng. Quán không tên, cũng không bảng hiệu, thực đơn, chỉ xếp một bàn lớn và bàn nhỏ kê sát nhau ở góc hẻm. Không gian quán rộng khoảng 15 m2, phía trước đặt hai nồi nước lèo, trong đó nồi nhỏ hơn bán bún riêu. Khách ăn đa phần là cư dân trong hẻm.
Người phụ nữ 63 tuổi cho biết bà bán ở góc hẻm này được 34 năm nay, cách nhà vài bước chân. Món chính là bún bò, còn bún riêu theo bà là để "bán cho vui, mọi người thêm lựa chọn, ăn đỡ ngán". Cả hai món được bà nấu theo kiểu miền Nam, từ 1.000 đồng cách đây 30 năm, đến giờ tô bún cả bà Dung có giá cao nhất 20.000 đồng.
"Phần đặc biệt nhất mới có giá đó chứ bình thường tôi bán 10.000 đồng một tô bún thôi", bà nói, tay liên tục lấy vắt bún, chế nước lèo vào tô cho khách đang ngồi chờ.
"Khu này nhiều là bà con lao động, mình bán rẻ tí, không cần quá nhiều đồ ăn kèm nhưng vẫn đủ cho khách ăn no, ngon là được. Tôi cũng có nhiều khách quen ủng hộ nên thu nhập đủ xài, chưa cần thiết phải tăng giá", bà Dung nói.
Mỗi phần ăn 10.000 đồng của bà đủ lượng bún và nước lèo. Tô bún có thịt bò, huyết heo và hai cục bò viên nhỏ nhưng không có thêm chả cây và giò heo như phần đầy đủ. Khách cũng có thể ăn tô 15.000 đồng, sẽ có thêm chả cây. Bún riêu có riêu cua, xương, chả, đậu, huyết giá 10.000 đồng, quán sẽ bớt đi xương heo, miếng chả. Mức giá này được quán giữ nguyên từ năm 2015 đến nay.
Mỗi ngày bà Dung dậy từ 3h đi mua thịt, xương, bò viên, rau sống... về sơ chế, nấu nước lèo. Như nhiều tiệm bún bò Huế khác ở Sài Gòn, phần nước lèo khoảng 10 lít, nấu từ xương ống bò ninh trong hơn một tiếng, hòa quyện với vị ngọt thanh từ trái thơm (dứa) kèm mùi hương của sả. Tuy nhiên, quán bình dân nên đồ ăn kèm khá căn bản với nạm, giò heo, bò viên, chả cây thay vì thêm gân, sụn, tái như những tiệm khác.
Tô bún bò giá 10.000 đồng, ảnh sau là phần bún riêu đầy đủ giá 20.000 đồng. Ảnh: Quỳnh Trần
Nồi nước lèo của bún riêu bằng nửa bún bò, cũng nấu từ nước xương, riêu cua, thêm đậu hũ, huyết heo, cà chua. Sợi bún to, ăn kèm rau muống bào, rau thơm, giá sống, khách có thể tự lấy thêm rau thoải mái. Chuẩn bị xong xuôi, bà bắt đầu bán từ 8h30 và chỉ hơn một tiếng, hai nồi nước lèo đã cạn.
Chỉ có một mình nên mỗi ngày bà bán khoảng 100 tô, chủ yếu là bún bò. "Chắc cũng gần nửa khách ăn tô 10.000 đồng. Mình lời ít thôi, thấy bà con ăn no là được", chủ quán chia sẻ.
Hơn 15 năm nay, gần như cả tuần hai cha con ông Huỳnh Phúc Sang đều ghé quán bún bà Dung ăn sáng, sau khi đã bán vé số được một tiếng. "Hôm nào bán được nhiều thì ăn tô đầy đủ, còn bình thường thì phần bún 10.000 đồng thôi", người đàn ông 55 tuổi nói. Với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng mỗi ngày, phần ăn sáng giá rẻ giúp cha con ông đỡ được nhiều khoản chi tiêu.
Ở bàn đối diện, bà Thiều Thị Thắm là khách quen của quán hơn 20 năm nay, từ khi tô bún còn giá 5.000 đồng. Ở huyện Bình Chánh cách quán hơn 15 km nhưng tuần ít nhất một lần, mỗi khi bán ve chai ngang qua, bà Thắm lại ghé quán gọi tô bún 15.000 đồng. "Mấy chỗ khác giá cao gấp đôi nhưng chưa chắc ngon bằng. Tô ở đây vẫn đầy đủ thịt, nước dùng đậm đà và khá nhiều bún, đảm bảo ăn no", người phụ nữ 50 tuổi nói.
Quán mở từ 8h đến 9h30 mỗi ngày trong tuần, nằm trong hẻm sâu nên khá khó tìm. Không gian quán không rộng, tối đa khoảng 10 người, không có chỗ để xe thuận tiện khi đông và không có người trông, thực khách phải tự bảo quản tài sản.
Quỳnh Trần