Cách đây vài năm, thực khách không dễ để tìm được nơi ăn bánh canh ở Hà Nội. Theo thời gian, nhiều người đã đưa món ăn đặc trưng của miền Trung, miền Nam về Hà Nội. Nước dùng đúng chuẩn thường có vị ngọt đậm nên khi ra Bắc, nhiều chủ quán đã nêm nếm, bớt ngọt theo sở thích của người dân địa phương.
Hai địa chỉ được thực khách biết tới nhiều nhất là quán trên phố Quang Trung và Xã Đàn. Gần đây, nhiều người còn rỉ tai nhau về tô bánh canh được bán trong ngôi biệt thự Pháp trên phố Ngô Tất Tố.
Chị chủ quán ở tuổi trung niên, làm với một vài người phụ việc cùng lứa tuổi. Người thổi hồn cho quán cũng từng nấu ở bếp bánh canh có tiếng tại Sài Gòn và Vũng Tàu. Bát bánh canh quen thuộc nhưng nguyên liệu và cách nấu, cách phục vụ được một số du khách đánh giá cao.
Khác với sợi bánh của các hàng khác ở Hà Nội thường làm từ bột năng, bánh canh của quán này làm bằng bột gạo theo công thức riêng. Sợi to, màu trắng trong, ăn mát thanh trong miệng, không có vị men chua của bún, ăn dai hơn so với bún. Nước dùng hơi sánh, vị ngọt sâu do ninh từ xương và rau củ, cùng với nước sốt thịt ghẹ, hải sản.
Các nguyên liệu chính đều được vận chuyển từ Sài Gòn ra. Một bát có lượng bánh canh vừa phải với càng, thịt ghẹ, bề bề, chả ghẹ, chả cá, nước dùng thơm nhẹ, vị rất vừa. Bạn sẽ muốn húp cho đến hết nước, bụng đã no mà không ngán, không đầy. Với người ăn nhiều, bát hơi nhỏ, bạn nhớ yêu cầu nhiều bánh canh.
Giá một bát bánh canh cao hơn trung bình (60.000 đồng) nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn. Bởi ngoài chất lượng thơm ngon của món ăn, khách có thể vừa ăn vừa nói chuyện trong một không gian yên bình, nhiều cây xanh, tiếng nhạc êm dịu tại một biệt thự Pháp cổ.
Viet Nguyen