Khí cầu ngày nay thường chỉ dùng để quảng cáo hoặc chở khách du lịch, nhưng nó từng là vũ khí rất lợi hại trong Thế chiến I. Những chiếc khinh khí cầu của Đức được ví như "quái vật bầu trời", gieo rắc kinh hoàng cho người dân Anh bằng những cuộc oanh tạc bất ngờ.
Khí cầu được Đức sử dụng để tập kích Anh trong Thế chiến I có kích thước lớn, với chiều dài hơn 152 m. Chúng có bộ khung cứng bằng nhôm và được bơm đầy hydro. Mỗi chiếc có thể di chuyển với tốc độ tối đa 145 km/h, mang được khoảng hai tấn bom và đạt trần bay gần 5 km, vượt quá tầm hoạt động của phần lớn máy bay thời đó.
Tháng 1/1915, Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm II ra lệnh mở chiến dịch oanh tạc Anh bằng khí cầu. Tuy nhiên, ông cấm các khí cầu tấn công thủ đô London vì có họ hàng với hoàng gia Anh và không muốn phá hủy di sản văn hóa của nước này.
Cuộc tập kích đầu tiên diễn ra ngày 19/1/1915, khi hai khí cầu ném bom thị trấn King’s Lynn, Sheringham và Great Yarmouth làm 4 người thiệt mạng, 16 người bị thương. Thiệt hại của đòn tấn công tương đối nhỏ, nhưng tác động tâm lý của nó lại rất lớn và được coi là dấu hiệu chiến tranh đã lan đến lãnh thổ Anh.
Với nhiều người Anh trong Thế chiến I, sự xuất hiện của khí cầu Đức giống cảnh trong truyện viễn tưởng. Kích thước của chúng áp đảo mọi thứ trên bầu trời, nhất là khi những chiếc máy bay đầu tiên chỉ xuất hiện trước đó vài năm.
Phần lớn những người cảnh giới dưới mặt đất đều không thể phát hiện ra khí cầu tấn công. Lớp vỏ màu trắng khiến nó dễ lẫn vào các đám mây và sương mù, tiếng động cơ cũng khó nghe thấy vì độ cao hoạt động và bị gió át đi. Điều này khiến đòn không kích từ khí cầu trở thành nỗi ám ảnh với người dân Anh, bởi những quả bom chúng thả dường như bất thần xuất hiện từ hư vô.
Các cuộc tập kích liên tiếp của khí cầu khiến người dân Anh hoảng loạn. Bạo loạn chống Đức đã nổ ra ở một số nơi. Một số người lo sợ Đức sẽ xâm lược Anh, trong khi số khác tin rằng khí cầu cất cánh từ một căn cứ bí mật trên lãnh thổ nước này.
Anh sau đó tìm cách đối phó mối đe dọa từ khí cầu Đức. Pháo cỡ nhỏ không thể hạ chúng do không đủ tầm bắn. Chỉ có máy bay và pháo phòng không hạng nặng dùng đạn cháy tỏ ra hiệu quả. Khí hydro rất dễ bắt lửa, khiến khinh khí cầu Đức có thể trở thành quả cầu lửa khổng lồ nếu trúng một viên đạn cháy.
Áp lực ngày càng lớn ở giai đoạn giữa Thế chiến I khiến Wilhelm II thay đổi ý định, cho phép quân đội tấn công trực tiếp vào London. Quân đội Đức cũng chuyển sang tập kích vào ban đêm để giảm nguy cơ đối phương phát hiện, bắn hạ khí cầu.
Đức đã tiến hành tổng cộng 52 cuộc tập kích vào đất Anh bằng khí cầu trong Thế chiến I, khiến hơn 500 người thiệt mạng. Đến năm 1917, Berlin thay thế hầu hết khinh khí cầu bằng máy bay và chuyển sang tấn công ban ngày.
Sau khi Thế chiến I kết thúc, khí cầu ít được sử dụng trong quân sự. Chúng cũng dần biến mất khỏi vai trò vận tải và chở khách sau thảm họa Hindenburg năm 1937.
Duy Sơn (Theo War History)