- 5h22 sáng 1/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Giàn khoan được hạ đặt sâu trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Đây là một trong 10 giàn khoan nổi lớn nhất thế giới, với diện tích tương đương sân bóng tiêu chuẩn, cao bằng tòa nhà 40 tầng, có khả năng khoan, khai thác dầu ở độ sâu 12.000 m, do Trung Quốc xây dựng với giá trị 1 tỷ USD.
Kể từ khi hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc luôn huy động hơn 100 tàu các loại tới khu vực này gồm tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo và tàu cá, cùng các chiến hạm như tàu tên lửa tấn công, tàu săn ngầm và tàu tuần tiễu tấn công nhanh. Với sự yểm trợ của một số máy bay, các tàu Bắc Kinh hung hãn đe dọa, đâm va, phun vòi rồng, gây hư hỏng nặng cho các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
- 4/5: Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981.
Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
- 6/5: Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc di dời giàn khoan ở Biển Đông là một bước đi "khiêu khích" và cho biết đang theo dõi sát tình hình.
Mỹ là quốc gia đầu tiên và liên tục bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về tình hình Biển Đông ở nhiều cấp.
- 7/5: Việt Nam lần đầu tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Các quan chức đã công bố video cho thấy các tàu của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, hung hăng ngăn cản, dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và làm bị thương 6 kiểm ngư viên Việt Nam.
Việt Nam khẳng định Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982, trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
- 8/5: Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về an ninh khu vực Biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan trong khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. EU thúc giục các bên liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình, hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, tiếp tục đảm bảo an toàn và tự do hàng hải.
- 10/5: Lần đầu tiên sau gần 20 năm, ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông. Các ngoại trưởng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những vụ việc do Trung Quốc gây ra có thể đe dọa hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải, kêu gọi các bên không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
- 11/5: Hành vi xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc châm ngòi cho làn sóng biểu tình của hàng nghìn người dân Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh rồi lan ra nước ngoài. Tuy nhiên, ở Bình Dương, Hà Tĩnh, một số thành phần quá khích đã lợi dụng tinh thần yêu nước, phản đối Trung Quốc để gây ra các vụ đập phá gây thiệt hại cho một số cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài. Chính quyền đã cam kết khắc phục, bồi thường thiệt hại đồng thời khởi tố, xét xử những kẻ gây rối.
- 11/5 và 21/5: Tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ở Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì hòa bình, ổn định khu vực.
- 22/5: Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện quan điểm dứt khoát: "Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông".
- 26/5: Tàu Trung Quốc lao thẳng vào một tàu cá của Việt Nam tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa, tây nam giàn khoan Hải Dương 981, khiến con tàu bị lật úp rồi chìm. 10 ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển may mắn được các tàu cá Việt Nam gần đó cứu sống.
- 27/5: Trung Quốc lần đầu di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, vẫn nằm sâu trong vùng biển Việt Nam.
- 28/5: Tổng thống Barack Obama cảnh báo rằng sự gây hấn mang tính khu vực như đã xảy ra ở Biển Đông hay bất kỳ khu vực nào trên thế giới có thể khiến quân đội Mỹ phải vào cuộc.
- 30/5: Diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 13 tại Singapore "nóng" nhất trong lịch sử khi giới chức Mỹ chỉ trích gay gắt Trung Quốc "hành động đơn phương, gây bất ổn" để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Nhật cho biết sẽ ủng hộ tối đa cho các nước ở Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo.
- 31/5: Trả lời cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang cân nhắc phương án đấu tranh pháp lý là khởi kiện Trung Quốc.
Cùng ngày, phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc lần đầu gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
- 3/6: Giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển lần hai đến tọa độ 15 độ 33'26''N; 111 độ 34'11''E. Trung Quốc đồng thời mở rộng tầm truy cản từ 10 lên 18 hải lý đối với các tàu của Việt Nam.
- 4/6: Nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới G7 bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng hiện tại trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. G7 "phản đối nỗ lực đơn phương của bất kỳ bên nào muốn sử dụng biện pháp đe dọa, ép buộc hay vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền hoặc hàng hải".
- 9/6: Trung Quốc gửi thư và tài liệu lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó vu khống Việt Nam xâm phạm chủ quyền và ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981.
- 12/6: Hạ viện Nhật Bản thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực. Nhật Bản tuyên bố sẽ không tha thứ cho hành động đơn phương nhằm chiếm đoạt lãnh thổ và lợi ích hàng hải thông qua phô diễn vũ lực của Trung Quốc.
Các quốc gia khác như Singapore, Philippines, Indonesia, Anh, Italy... và các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cũng liên tiếp phản ứng trước hành động của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông suốt hai tháng qua.
- 14/6: Bắc Kinh lần thứ ba vu cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần. Nước này cũng đưa ra các video và hình ảnh gọi là bằng chứng cho vu cáo này nhưng lại hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra trên thực địa.
- 18/6: Trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.
- 27/6: Cục Kiểm ngư cho biết có 27 tàu kiểm ngư bị các tàu Trung Quốc đâm va gây thiệt hại nặng, 15 kiểm ngư viên bị thương.
- 4/7: Phái đoàn Việt Nam lần thứ tư đề nghị Liên Hợp Quốc lưu hành văn bản về lập trường đối với việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam đồng thời tận dụng các hội nghị, diễn đàn quốc tế để thông báo rõ tình hình và yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
- 11/7: Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hàng hải liên quan, kiềm chế các hoạt động hàng hải trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển, và trả vùng biển Hoàng Sa về nguyên trạng như trước ngày 1/5.
- 15/7: Trung Quốc bất ngờ điều toàn bộ 30 tàu cá ra khỏi khu vực giàn khoan, di chuyển về khu vực đảo Hải Nam. Theo đại diện của Cục Kiểm ngư, động thái này có thể là để tránh cơn bão Rammasun đang tiến gần biển Đông.
- 16/7: Truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) công bố quyết định di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hoạt động của giàn khoan tại khu vực này đã kết thúc. Giàn khoan 981 sẽ được di chuyển về phía nam đảo Hải Nam.
Anh Ngọc