Thứ tư, 22/1/2025
Thứ tư, 20/5/2015, 15:10 (GMT+7)

Quá trình mặc áo tàng hình cho tiêm kích F-35

Nhà máy Lockheed Martin được bảo vệ nghiêm ngặt ở thành phố Fort Worth, bang Texas, là nơi phủ "áo khoác tàng hình" cho chiến đấu cơ đắt nhất Mỹ, tiêm kích F-35.

"Căn phòng này là cơ sở phun sơn tối tân nhất thế giới," Rick Royer, cựu phi công Không quân Mỹ nghỉ hưu, huấn luyện bay tiêm kích F-35, giới thiệu.

Đầu tiên, các phần khác nhau của máy bay được lắp ráp tại xưởng của Lockheed Martin, một công ty quốc phòng nổi tiếng thế giới.

F-35 là một trong những dòng máy bay chiến đấu đắt nhất hiện nay, ước tính mỗi chiếc có giá khoảng 100 triệu USD, và dao động tùy loại biến thể A, B, C.

Khi chiếc F-35 lắp ráp xong, nó được kéo đi cẩn thận, vào một căn phòng gọi là Tổ hợp Hoàn thiện Máy bay (AFF).

Đây là dòng máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình và hoạt động đa năng, thực hiện nhiều nhiệm vụ như yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật, hoặc chiến đấu không đối không.

 

AFF không có cửa sổ, rộng gần 21.000 m2.

Bên trong AFF là ba robot laser dẫn đường, được lập trình để phun Vật liệu Chống Radar (RAM) lên vỏ ngoài máy bay.  Đuôi và một số bộ phận khác, được tráng riêng tại phòng gọi là Hệ thống Hoàn thiện Tổ hợp Tự động. Nhờ lớp sơn này mà máy bay trở nên tàng hình trước radar của đối phương.

Theo báo cáo của Hiệp hội Kỹ sư Quốc tế (SAE) có trụ sở ở Mỹ, năm 2008, lần đầu tiên nhà máy này hoàn thiện kỹ thuật và phun sơn tàng hình cho một chiếc F-35B. Toàn bộ quá trình phun hết 3 ngày.

Hiện nay, cơ sở AFF của hãng Lockheed Martin có thể phun xong 7 chiếc F-35 một tháng, và dự tính sẽ nâng công suất lên 17 chiếc vào năm 2020.

Tháng 10/2014, Lầu Năm Góc đã chi 4 tỷ USD mua thêm 43 chiến đấu cơ F-35, trong đó 29 máy bay cho Mỹ, hai chiếc F-35 đầu tiên cho Israel, 4 chiếc đầu tiên cho Nhật Bản. Ngoài ra, hợp đồng cũng sẽ chuyển giao cho Italy và Na Uy, mỗi nước hai chiếc F-35, và 4 chiếc cho Anh.

Hồng Hạnh (Theo Business Insider)