Hình vẽ mô phỏng thiết kế bên trong của chiếc F-35. Đồ họa: Telegraph |
Một buổi sáng nóng nực vào tháng 12/2012 tại Fort Worth, Texas, nơi nổi tiếng với sự có mặt của nhà máy quốc phòng lâu đời Lockheed Martin, nhà máy sản xuất máy bay được đánh giá lớn nhất nước Mỹ và cả thế giới, Jonathan Glancey, biên tập viên cao cấp của The Guardian đã có những trải nghiệm thú vị cùng với tiêm kích F-35B.
F-35B là biến thể cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng được sản xuất trong chương trình F-35. Chiếc máy bay đang được thử nghiệm tại Fort Worth trước khi ra mắt chính thức trong tương lai.
F-35 sẽ là máy bay chiến đấu tốc độ cao chỉ phục vụ trong Không quân Hoàng gia và Hải quân Hoàng gia Anh. Nó sẽ thay thế cho tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Harrier đã được nghỉ hưu cách đây 2 năm và cường kích Tornado vào năm 2019.
Cùng với EF-2000 Typhoon, F-35 sẽ là các máy bay phản lực tiên phong trong việc bảo vệ không phận nước Anh và các lợi ích liên minh. Đến lúc đó, người Anh sẽ ngừng sản xuất máy bay chiến đấu riêng của mình. “Ngay cả khi chúng ta có quyết tâm làm điều đó, chúng ta cũng không đủ tiền. Người Anh sẽ phải phụ thuộc vào mối quan hệ đặc biệt với Mỹ hơn bao giờ hết”, Glancey nhận định.
Một chiếc F-35. Ảnh: Lockheed Martin |
F-35 có rất nhiều điểm đặc biệt so với các dòng chiến đấu cơ khác. Thậm chí, ngay cả Darth Vader (nhân vật chính trong phim Star War) cũng không bao giờ có được một chiếc mũ bảo hiểm như các phi công lái F-35. Mũ bảo hiểm phi công tích hợp VSI được xem là một cuộc cách mạng trong tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu. Mũ bảo hiểm VSI được làm bằng sợi carbon với các thiết bị điện tử công nghệ cao cho phép hiển thị tất cả các dữ liệu về mục tiêu trước mắt phi công.
Billy Flynn, một phi công thử nghiệm cao cấp của Lockheed Martin chia sẻ, VSI là một phần thiết yếu của F-35, đó là những gì làm nên sự khác biệt. “Một hệ thống laser sẽ quét trên đầu của tôi, thông qua nó tôi có thể nhìn thấy 360 độ xung quanh máy bay. Tôi có thể nhìn thấy sự hoang dã và uốn lượn của sông Red dọc theo đường biên ở bang Texas bên dưới chân của tôi", Flynn nói.
Tiến sĩ Mike Skaff, kỹ sư trưởng chương trình F-35 đồng thời là một cựu phi công lái F-16 của Không quân Mỹ, dẫn Glancey tới xem một mô hình mô phỏng. Mô hình được thiết kế giống như một chiếc F-35 thật, chỗ ngồi khá thoải mái, bật công tắc khởi động, chỉ trong 90 giây mô hình giống như một chiếc F-35 thật.
F-35 tự động thực hiện tất cả các hoạt động kiểm tra an toàn cần thiết một cách nhanh chóng. Bảng điều khiển là một màn hình rộng 20x8 inch, tương tự như một chiếc iPad. Chỉ cần chạm vào màn hình, hệ thống sẽ đưa lên các thông tin mà phi công cần.
Đẩy chân ga bên trái về phía trước và kéo nhẹ cần điều khiển phía bên phải, máy bay cất cánh rất êm và gần như không cảm nhận thấy sự khác biệt. F-35B là máy bay thế hệ thứ 5, không chỉ là tàng hình trên ý nghĩa quân sự thuần túy. Bên cạnh đó máy bay còn có thể thực hiện các hoạt động phi thường thông qua sự nâng cấp liên tục của các phần mềm kỹ thuật phức tạp.
Việc tìm kiếm và phát hiện mục tiêu với F-35 khá dễ dàng. “F-35 có thể nhận thấy và cảm nhận mục tiêu từ khoảng cách rất lớn, tôi chọn một tên lửa được giấu trong khoang của máy bay, bóp cò và nhìn vào đồng hồ đếm ngược kỹ thuật số, kẻ thù bị tiêu diệt”, Glancey chia sẻ trải nghiệm có được trên mô hình F-35.
Nguyễn Việt