Theo Russia Beyond The Headlines, quân đội Nga đã suy yếu đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, trong 7 năm qua, lực lượng này đã hồi sinh và lột xác trở thành một trong những đội quân chiến đấu hiệu quả nhất thế giới. Trong chiến dịch quân sự ở Syria, các lực lượng vũ trang Nga đã chứng tỏ họ là một trong những quân đội hùng mạnh nhất với trình độ huấn luyện và kỹ năng tác chiến thượng hạng.
Thay đổi cách nhìn của công chúng
Đi nghĩa vụ quân sự ở Nga từng là động lực thúc đẩy sự nghiệp. Thời Liên Xô, quân đội có uy tín nhất định và với cơ hội học nghề lúc tại ngũ, nghĩa vụ quân sự đã giúp nhiều người, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, bắt đầu một cuộc sống mới.
Tuy nhiên, sau biến động ở Nga những năm thập niên 1990, việc phục vụ trong quân đội mất đi giá trị do các lực lượng vũ trang hầu như không được đầu tư tiền của, trang bị và huấn luyện quân sự. Rất nhiều sĩ quan đã giải ngũ để làm thêm hỗ trợ gia đình.
"Trong thập niên 1990, tôi nhớ khi đó mọi sĩ quan, gồm cả tôi, cố gắng hạn chế mặc quân phục nhất có thể. Thật xấu hổ. Sĩ quan quân đội khi đó như những kẻ thất bại không thể kiếm được công việc tốt nào khác. Vì thế nhiều người phục vụ trong quân đội nhưng vẫn mặc thường phục", đại tá Vladimir K hồi tưởng.
Thời kỳ khó khăn của quân đội Nga kéo dài hơn 10 năm. Sau khi ông Sergei Shoigu được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng, lương quân đội đã gia tăng đáng kể, thu nhập hàng tháng của một trung úy quân đội Nga tăng gấp 6 lần từ 12.000 rúp (170 USD) lên 50.000 rúp (720 USD) một tháng. Hầu hết quân nhân phục vụ 20 năm trong quân đội được cấp nhà ở.
Các buổi triển lãm quân sự giờ đây mở cửa với công chúng. Sự hồi sinh của Hội tình nguyện Hợp tác với Lục quân, Không quân và Hải quân Nga (DOSAAF) đã đạt được nhiều thành tựu. Tổ chức này định hướng những người đến tuổi nghĩa vụ quân sự tập trung vào chuyên ngành quân đội, đồng thời phổ biến các môn thể thao quân sự như bắn súng.
Kết quả là, quan điểm công chúng với quân đội đã thay đổi. Đeo cầu vai quân hàm một lần nữa trở thành niềm tự hào, và phục vụ trong quân đội trở thành biểu tượng nam tính.
Trong cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Nga, 64% số người được hỏi nói rằng quân đội là nơi tốt nhất để thanh thiếu niên Nga được giáo dục cả thể chất và tinh thần, gấp đôi con số 33% trong cuộc thăm dò tương tự năm 1990.
Tăng cường huấn luyện
Dưới thời bộ trưởng quốc phòng trước đó của Nga, Anatoly Serdyukov, tất cả đơn vị trong quân đội Nga phải luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Kể từ đó, số lượng lính chuyên nghiệp đã gia tăng hàng năm và dự kiến đạt 425.000 quân vào năm 2017. Việc có quá nhiều lính chuyên nghiệp trong lực lượng đòi hỏi họ phải liên tục trang bị thêm lý thuyết và tăng cường kỹ năng chiến đấu. Việc đưa nhiều thiết bị quân sự mới vào sử dụng cũng buộc họ phải tăng cường huấn luyện để biết cách vận hành.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi Nga thường xuyên tổ chức tập trận quy mô lớn và bất ngờ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo các chuyên gia, trong năm 2012, năm đầu tiên ông Shoigu đảm đương vị trí bộ trưởng quốc phòng, ông đã tăng cường các chương trình huấn luyện cho binh sĩ. Trong giai đoạn 2010 - 2012, quân đội Nga tổ chức 7 cuộc diễn tập huấn luyện. Nhưng chỉ riêng trong năm 2013, đã có ba cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đột xuất tại các quân khu trên khắp cả nước.
Giai đoạn 2013 - 2015, có hơn 20 cuộc tập trận và kiểm tra bất ngờ đối với lực lượng Nga cả trong và ngoài nước. Những kỹ năng họ học được đang được kiểm chứng trong chiến dịch không kích của Nga ở Syria.
Về tổng thể, tiến trình nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga diễn ra trên những khía cạnh chủ yếu như: phát triển và cải thiện năng lực cá nhân và các kỹ năng của người lính; tăng cường sự phối hợp giữa các chỉ huy quân sự và nâng cao phương pháp lãnh đạo; tổ chức và hỗ trợ hiệp đồng nhiều quân binh chủng trong các lực lượng vũ trang Nga.
Về quy mô, điểm nổi bật nhất trong huấn luyện quân sự là khả năng cơ động cấp chiến dịch và chiến lược đối với hàng chục nghìn quân nhân và hàng nghìn đơn vị thiết bị quân sự. Họ đã giúp chỉ huy quân đội Nga thực hiện mô hình triển khai quân hiện đại cho việc phát triển lục quân và hải quân Nga trong tương lai.
Hiện đại hóa vũ khí trang bị quân sự
Ông Serdyukov đã thúc đẩy mua nhiều vũ khí nước ngoài hơn, nhưng ông Shoigu đã giảm mua sắm xuống mức tối thiểu kể từ khi trở thành bộ trưởng quốc phòng Nga. Chẳng hạn, thương vụ mua 1775 xe thiết giáp LMV65 của Italy đã bị hủy, dù Nga cuối cùng vẫn mua 358 chiếc.
Nga từng bước thay thế khí tài quân sự nhập khẩu bằng các khí tài tương ứng được chế tạo trong nước. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng Nga, buộc họ phải tự sản xuất trực thăng và động cơ tàu chiến thay cho những sản phẩm được sản xuất ở Ukraine.
Dù vậy, Nga dự kiến hiện đại hóa 70% vũ khí cho tới năm 2020. "Thực tế, có thời điểm chúng tôi đã tăng chi tiêu quốc phòng. Ở thời điểm đó, các thiết bị của chúng tôi rất lạc hậu. Giờ đây, chúng tôi đã tăng chi tiêu quốc phòng ngang tầm quốc tế", Thủ tướng Dmitri Medvedev nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 9/12/2015.
Trong năm 2015, một nửa trang thiết bị quân sự của quân đội Nga được sản xuất mới, vì thế mục tiêu trên hoàn toàn có thể thực hiện được.
Quân đội Nga đã được trang bị hệ thống chiến đấu bộ binh Ratnik, trong đó có súng trường AK-12 mới. Giờ đây họ có thêm hệ thống phóng rocket đa nòng tân tiến Tornado-G, pháo tự hành Khosta 120 mm và hệ thống tên lửa chống tăng tự động Khrizantema. Quân đội Nga cũng có hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M mới nhất.
Lực lượng phòng không Nga đã được biên chế các hệ thống phòng không như Triumph S-300V4, hệ thống phòng thủ đất đối không S-400.
Lực lượng không quân vũ trụ Nga cũng có các chiến đấu cơ tối tân nhất như Su-34, Su-30, Su-35 cùng các trực thăng như Mi-28N hay Ka-52. Một vài trong số này đã chứng tỏ khả năng trong các chiến dịch chống IS ở Syria.
Hải quân Nga hiện được biên chế các tàu mặt nước mới và các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Kalibur mà Nga đã phóng để chống IS. Hải quân Nga cũng tiếp nhận các tàu ngầm thế hệ mới trang bị tên lửa đạn đạo Bulava.
Nghiên cứu và phát triển
Chính phủ Nga dành nguồn tài chính đáng kể không chỉ để trang bị cho quân đội vũ khí hiện đại, mà còn phục vụ nghiên cứu và phát triển.
Cuối năm 2013, Nga thông qua một đạo luật liên bang mới nhằm thiết lập các cơ chế kiểm soát ngành công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, một số cơ quan sẽ cùng nhau giám sát cách chi ngân sách công cho vũ khí mới của quân đội.
Một trong các bước đầu tiên ông Shoigu làm với tư cách bộ trưởng quốc phòng là tăng số lượng nhân viên làm việc trong bộ phận kiểm tra, nghiệm thu trang thiết bị lên 25.000 người, nhằm giúp quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng hợp tác hiệu quả hơn.
Đầu năm 2015, theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, các tổng công trình sư Nga có toàn quyền nghiên cứu chế tạo các hệ thống chiến lược quan trọng. Sẽ có khoảng 20 tổng công trình sư như vậy, vị thế và trách nhiệm của họ cũng tăng lên.
Duy Sơn