Điện Kremlin hôm qua thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/4 sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thành phố Viễn Đông Vladivostok, chấm dứt nhiều tuần đồn đoán về thời gian cũng như địa điểm của hội nghị.
Công tác chuẩn bị cho cuộc gặp được thực hiện bí mật bởi những lo ngại về an ninh của phía Triều Tiên, cố vấn điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết. Theo ông, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Nga muốn "củng cố những xu hướng tích cực" bắt nguồn từ hai hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng hai vừa qua và tháng 6 năm ngoái.
Kim Jong-un sớm nay rời Bình Nhưỡng trên chuyến tàu đặc biệt tới Nga cùng các quan chức chính phủ và quân sự hàng đầu. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên tới Nga sau 8 năm, kể từ khi Kim Jong-il, cha Kim Jong-un, gặp thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi năm 2011, thời điểm Medvedev giữ chức tổng thống.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng, Vladivostok đã áp dụng một số biện pháp nhằm thắt chặt an ninh. Cơ quan hàng hải cho hay vùng biển xung quanh đảo Russky, ngoài khơi phía nam Vladivostok, sẽ bị cấm tiếp cận trong khoảng thời gian từ sáng 24/4 đến sáng 26/4.
Theo một nguồn tin giấu tên, trường Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU) nằm trên đảo Russky là nơi sẽ diễn ra hội nghị Kim - Putin và việc chuẩn bị đã được thực hiện từ một tuần trước.
Nguồn tin cho biết hội nghị nhiều khả năng sẽ được tổ chức tại "nhà S" trong khuôn viên trường đại học. Một bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy cờ Nga và Triều Tiên xuất hiện tại sảnh Nhà S.
"Họ đang chuẩn bị cho hội nghị tại khu phức hợp thể thao của trường (nhà S)", nguồn tin cho hay. "Tòa nhà có hội trường lớn nhất FEFU, có thể dễ dàng cách ly nó với những tòa nhà xung quanh".
Sinh viên và nhân viên trường đại học tới cuối tuần trước vẫn có thể tự do đi lại quanh nhà S nhưng đến ngày 22/4, khu vực "đã bị đóng và tăng cường các biện pháp an ninh".
"Tôi nghĩ họ đang chuẩn bị cho một cuộc họp báo", nguồn tin nói và lưu ý rằng các cuộc đàm phán vẫn có khả năng diễn ra ở nơi khác, ví dụ Nhà Hữu nghị Nga - Triều Tiên ở biên giới hai nước.
Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin các nhân viên an ninh đã được huy động bổ sung tại cửa vào FEFU và nhận lệnh chỉ cho phép người có giấy tờ chứng minh hoặc nằm trong danh sách phê duyệt vào trường.
Phó giám đốc Trường Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc FEFU Artyom Lukin cho rằng ngôi trường là nơi lý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Kim - Putin bởi vị trí đặc biệt cũng như các mối liên hệ với Tổng thống Nga.
"Khu ký túc FEFU có thể coi là nơi cư trú của Tổng thống Putin ở vùng Viễn Đông", Lukin nói. "Cơ sở vật chất tại FEFU được xây dựng vào năm 2012 theo lệnh từ Tổng thống Putin. Ông yêu thích nơi này và tới đây gần như hàng năm, thường vào đầu mùa thu".
FEFU, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC 2012, cũng có đủ khách sạn sang trọng để đón tiếp các phái đoàn lên tới 230 người.
Bên cạnh đó, theo truyền thông địa phương, một số khu vực trong nhà ga xe lửa chính của Vladivostok sẽ đóng cửa trong vài ngày tới và các chuyến xe buýt xuất phát từ nhà ga đã được sắp xếp lại lịch trình di chuyển. Trang tin Vl.ru cho biết chính quyền địa phương đã cải tạo lại đường ra vào nhà ga, khiến chúng bớt dốc hơn.
Kim Jong-un từng có hai hội nghị thượng đỉnh với Trump nhưng hội nghị gần đây nhất diễn ra ở Hà Nội kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Giới chuyên gia nhận định lãnh đạo Kim Jong-un có thể tìm cách củng cố mối quan hệ với Nga và Trung Quốc bởi ông đang ngày càng thất vọng về Mỹ khi không thể cho thấy thiện chí hòa giải bằng những động thái cụ thể.
Ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hợp tác song phương cũng là chương trình nghị sự quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Putin - Kim. Theo Ushakov, giao dịch thương mại giữa Nga và Triều Tiên năm ngoái còn khá khiêm tốn, chỉ 34 triệu USD, nguyên nhân chính là do các biện pháp trừng phạt quốc tế mà Bình Nhưỡng phải hứng chịu.
Nga muốn gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản Triều Tiên, bao gồm cả kim loại hiếm. Bình Nhưỡng trong khi đó muốn Moskva cung cấp điện và thu hút thêm đầu tư từ Nga nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt, nhà máy công nghiệp cùng các cơ sở vật chất đã lỗi thời của mình.
Cố vấn Ushakov nhấn mạnh Điện Kremlin sẽ nỗ lực "tạo ra những điều kiện tiền đề và bầu không khí thuận lợi nhằm đạt được những thỏa thuận vững chắc về vấn đề bán đảo Triều Tiên".
Vũ Hoàng (Theo AP, NK News)