Trưa nay, tôi được mời dự tiệc sinh nhật bạn. Trong bữa ăn, chúng tôi chia sẻ chuyện thưởng Tết. Một người bạn phấn khởi kể đã xin thêm kinh phí từ cấp trên, ngoài tiền Tết còn tặng quà gồm măng, miến, nấm hương từ Cao Bằng, chả mực Hạ Long. Người lao động rất vui vì được quan tâm hơn.
Ngược lại, một bạn khác buồn vì công ty khó khăn, mỗi người chỉ nhận 300.000 đồng thay quà Tết, nhưng vẫn ghi nhận nỗ lực của công ty.
Điều khiến bạn buồn nhất là việc xét quà Tết cho nhân viên khó khăn. Theo công văn, cấp trên yêu cầu chọn 10% nhân viên khó khăn, nhưng không nêu tiêu chí rõ ràng, dẫn đến việc xét chọn cảm tính. Trong tổ của bạn, khi được giao thêm suất quà, đã xảy ra tranh cãi.
Bạn được đề xuất vì làm mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ, chưa có nhà riêng, nhưng một số đồng nghiệp phản đối mà không nêu lý do thuyết phục. Kết quả, cả tổ không ai được nhận quà vì mất đoàn kết, suất quà bị chuyển sang bộ phận khác.
Bạn tôi không buồn vì mất suất quà nhỏ, mà buồn vì sự bạc bẽo, ganh ghét của đồng nghiệp. Những người từng thân thiết không ai đứng ra bảo vệ, lãnh đạo cũng im lặng, để môi trường làm việc thêm chia rẽ.
Từ câu chuyện này, nếu tiếp tục hoạt động tặng quà Tết, cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, như: hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, mẹ đơn thân, người khuyết tật, hoặc đang nuôi con nhỏ. Nhân viên tham gia xét chọn cần công tâm, tránh để tình cảm cá nhân chi phối.
Hoạt động tặng quà Tết nên mang ý nghĩa tinh thần cao, tạo không khí đầm ấm, đặc biệt với người lao động xa quê. Công đoàn cần tổ chức khéo léo, tránh để việc chăm lo Tết trở thành nỗi buồn, mà thay vào đó là động lực gắn kết đoàn viên và tăng hiệu quả lao động.
Vũ Thị Minh Huyền