Tủ lạnh nhà bạn tôi chật kín giò, nem, xúc xích, sườn, cá, tôm, gà, thịt bò và rất nhiều loại hoa quả.
Bạn tôi còn cầu kỳ đặt mua miến, măng, mộc nhĩ, nấm hương ở trên Cao Bằng gửi xuống; bánh kẹo, các loại hạt, ô mai mua đồ handmade của bạn; đào cũng phải tìm mua những cây đào huyền đẹp giá tiền triệu về cắm ở phòng khách. Năm nào nhà bạn tôi cũng thừa đồ ăn vì tâm lý: "Cả năm mới có Tết một lần nên phải mua sắm đầy đủ".
Đến ngày mùng 6 Tết quay trở lại đi làm, có không ít những món buộc phải bỏ đi vì tủ lạnh hết chỗ chứa, mọi người trong gia đình và khách khứa cũng ít ăn nên tình trạng dư thừa tiếp tục xảy ra. Thực sự rất lãng phí mà năm nào cũng thế.
Không riêng đồ ăn, có nhiều người mua sắm rất nhiều quần áo đẹp để diện Tết. Nhưng suốt cả tuần bận về quê chồng nấu ăn, làm cỗ, rửa bát, ngủ nên không có thời gian mặc đến những bộ quần áo đẹp đó. Cô bạn của tôi mua mấy bộ áo dài đẹp mặc Tết nhưng cả một tuần nghỉ Tết chưa kịp mặc bộ nào.
Không chỉ lãng phí thực phẩm, nhiều gia đình còn mua sắm đồ dùng, trang hoàng nhà cửa với mức tiền khá nhiều. Nhà bạn tôi mua cả đào, quất, hoa lan, hoa tươi bày khắp nhà với giá khoảng 15-16 triệu đồng, gấp 3-4 lần số tiền thưởng Tết của một viên chức như tôi nhận được sau cả một năm làm việc vất vả.
Nổi lên hiện nay là trào lưu vung tay mua sắm các mặt hàng đắt tiền như là một cách để chơi ngông, chơi sang, thể hiện "đẳng cấp" của một số người; mà việc mua sắm hoa trái, cây cảnh của một bộ phận dân cư những ngày giáp Tết.
Nghỉ Tết kéo dài một tuần lễ và là dịp đặc biệt nhất trong năm, song việc chi tiêu quá tốn kém của không ít gia đình dẫn đến tình trạng lãng phí như sau: Tết nhiều thức ăn phải đổ bỏ, cây cảnh bị vứt ra đường do lụi tàn bởi không ai chăm sóc.
Về nguyên tắc, chi tiêu như thế nào là quyền của mỗi người. Tiền của mình thì mình thích tiêu gì là việc của mình. Nhưng chi tiêu đúng mức, đúng chỗ, chi tiêu thật sự hiệu quả lại hoàn toàn là câu chuyện khác và khác biệt với chi tiêu một cách lãng phí. Nhất là khi chi tiêu đó không chỉ gây tốn kém cho nhiều gia đình, mà còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều người nghèo cần được cộng đồng san sẻ, hỗ trợ. Do vậy, thay vì chi tiêu quá mức, dùng không hết rồi vứt bỏ, số thực phẩm cũng như số tiền phung phí dành cho Tết nếu được sử dụng giúp đỡ người nghèo sẽ là việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần tương thân tương ái.
Tình trạng lãng phí dịp Tết năm nào cũng xảy ra nhưng chưa thấy có giải pháp hiệu quả khắc phục. Tôi nghĩ, chúng ta nên tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để thay đổi nhận thức của người dân. Bởi chỉ khi nào người dân có nhận thức thì khi ấy hành vi lãng phí mới có thể thay đổi.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.