Theo kết quả thăm dò gần đây của NY Times/Siena, Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đang dẫn trước đối thủ Donald Trump 14 điểm phần trăm trên toàn quốc, bao gồm 22 điểm lợi thế với nhóm cử tri nữ và 33 điểm với những người trung lập.
Cựu phó tổng thống Mỹ chiếm được cảm tình của đa số cử tri da màu và người trẻ, đồng thời giảm bớt lợi thế của Trump với nhóm cử tri da trắng và người cao tuổi. Ông còn vượt trội tại nhiều bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania , Florida và Arizona, đồng thời sẵn sàng ganh đua ở những bang Trump từng giành chiến thắng như Iowa, Ohio và Bắc Carolina.
Việc một ứng viên giành ưu thế rõ ràng trước tổng thống đương nhiệm khi cuộc bầu cử gần kề khá hiếm hoi. Chỉ có ba ứng viên từng đánh bại một tổng thống Mỹ đương nhiệm kể từ khi Franklin Roosevelt chiến thắng Herbert Hoover vào năm 1932. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều đáng chú ý hơn cả lợi thế của Biden là ông dường như đạt được nó một cách dễ dàng.
"Trump chỉ liên tục dâng chiến thắng cho Biden. Ông ấy không phải làm gì cả", Jess Morales Rocketto, chiến lược gia của đảng Dân chủ, nhận xét.
Biden bắt đầu gặp "thiên thời địa lợi" kể từ cuối tháng 2. Đầu tiên, sau khi Biden giành chiến thắng vang dội tại bang Nam Carolina với 48% phiếu bầu, cao gấp đôi người xếp thứ hai là thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đảng Dân chủ đã dồn lực ủng hộ cho chiến dịch của ông để ngăn Sanders trở thành ứng viên chính thức.
Kể từ đó, Biden đã tham gia cuộc đua "song mã" với Trump, Tổng thống đương nhiệm sở hữu nguồn ngân sách tranh cử dồi dào. Tuy nhiên, theo bình luận viên Charlotte Alter của Time, trong giai đoạn tranh cử đầu tiên, cựu phó tổng thống Mỹ không nêu ra được nhiều đề xuất chính sách mới đáng lưu ý, không thu hút được đám đông ủng hộ, cũng không có đội ngũ phụ tá hùng hậu. Ông hiếm khi chiếm được sự chú ý trên mặt báo, gần như chưa bao giờ dẫn dắt một cuộc thảo luận cấp quốc gia.
Alter cho rằng sự mờ nhạt của Biden gần như đã tạo điều kiện để dư luận cả nước tập trung sự chú ý vào Trump, người bắt đầu dẫn dắt nước Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19, sau đó là làn sóng biểu tình rầm rộ nhằm chống nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát.
Năm ngoái, rất ít người nghĩ rằng Biden phù hợp với thời đại. Nhiều ý kiến đánh giá ông quá già, quá trung lập, quá tẻ nhạt để lãnh đạo đảng Dân chủ, nơi dường như đang được bao trùm bởi sức trẻ và sự cấp tiến.
Tuy nhiên, dù Biden dường như vẫn vậy, thời thế đã thay đổi, cùng với những chuyển biến chóng mặt của nước Mỹ vài tháng qua. Chính quyền Trump đã thể hiện rõ sự lúng túng trước những cuộc khủng hoảng liên tiếp, để rồi nước Mỹ giờ đây trở thành vùng dịch Covid-19 lớn nhất và chết chóc nhất thế giới, trong khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc vẫn chưa hạ nhiệt.
Alter cho rằng Biden đã gặp rất nhiều may mắn khi các cuộc khủng hoảng vài tháng qua đã làm nổi bật những điểm mạnh của ông, như sự điềm tĩnh, kinh nghiệm và lòng đồng cảm. "Trong những năm gần đây, không có ứng viên nào gặp quá nhiều thuận lợi mà làm quá ít như vậy", bình luận viên này nhận xét.
Trong khi đó, chiến dịch của Biden cho rằng thế dẫn trước của ông trong các cuộc thăm dò dư luận là bằng chứng cho sức mạnh chính trị của cựu phó tổng thống trước Trump. "Một trong những câu nói yêu thích của tôi về ông ấy là 'Biden là người may mắn nhất thế giới'. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở may mắn", cựu thượng nghị sĩ Ted Kaufman, cố vấn thân cận nhất của Biden, cho hay.
"Ông ấy may mắn khi được bầu vào thượng viện từ năm 29 tuổi, may mắn khi sống sót khỏi căn bệnh phình mạch não. Chính xác hơn thì đó là chuyện đúng người đúng thời điểm", Kaufman nói.
"Công chúng không cần một người quăng bom, cũng không cần một chiến binh tư tưởng. Họ chỉ muốn mỗi khi thức giấc cảm thấy mọi thứ đều ổn, không lo lắng khi mở báo đọc tin tức. Joe Biden có thể mang lại điều đó. Những thứ mọi người nghĩ rằng sẽ là điểm yếu nhất của ông ấy cuối cùng lại trở thành lợi thế lớn nhất", Lis Smith, cố vấn hàng đầu cho Pete Buttigieg, ứng viên Dân chủ rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 3, nêu ý kiến.
Trong khi đó, nhiều chiến lược gia của đảng Dân chủ đánh giá chiến dịch của Biden đã sáng suốt khi tận dụng những sai lầm của Trump. "Tôi nghĩ họ đã tự làm nên may mắn của mình. Kế hoạch của họ là ngồi yên đợi Trump tự đào hố, rồi mỗi khi Tổng thống tỏ ra ngày càng bối rối, họ đưa Biden với phong thái bình tĩnh vào. Điều đó khiến người Mỹ dường như bị lung lay dữ dội", chiến lược gia Rebecca Katz nói.
Biden còn được cho là đúng đắn khi tập trung vào thông điệp đoàn kết, với sự ủng hộ từ các cựu ứng viên Dân chủ Pete Buttigieg và Amy Klobuchar, đồng thời tìm đến phe cấp tiến của đảng. Ông cũng đăng video thể hiện sự thân thiết với Sanders để chứng minh quan hệ ấm áp giữa hai người.
Một trong những khó khăn lớn chiến dịch của Biden phải đối mặt là vấn đề tài chính. Cựu phó tổng thống Mỹ bước vào cuộc đua với số tiền mặt ít ỏi và cơ sở hạ tầng yếu kém, trong khi Trump sở hữu lợi thế về kỹ thuật số và nguồn quỹ dồi dào. Covid-19 bùng phát khiến Trump phải chuyển sang thế phòng thủ và Biden nằm trong vòng phong tỏa.
Tuy nhiên, một lần nữa Biden lại gặp thời. Lệnh phong tỏa thực sự giúp chiến dịch của ông có thêm thời gian quan trọng để xây dựng chiến lược kỹ thuật, thực hiện các cuộc phỏng vấn với truyền thông tại những bang chiến trường, đồng thời gây quỹ để đối đầu với Trump vào mùa thu, trong khi không phải chi tiền cho việc đi lại hoặc thuê địa điểm.
Trong khi đó, cách Trump ứng phó với một loạt khủng hoảng trở thành "món quà" cho Biden, bình luận viên Alter nhận xét. Tổng thống bị đánh giá không kiểm soát được Covid-19, trong bối cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế và cướp đi mạng sống của hơn 150.000 người tại Mỹ, đồng thời thất bại trong việc bày tỏ sự đồng cảm với công chúng. Ông thậm chí bị cáo buộc "đổ dầu vào lửa" giữa căng thẳng về chủng tộc.
Theo khảo sát gần đây của Reuters/Ipsos, chỉ có 37% người Mỹ cho rằng Trump đang xử lý tốt đại dịch. Cũng chỉ có 1/3 số cử tri ở các bang chiến trường đánh giá ông giải quyết quan hệ chủng tộc và làn sóng biểu tình đúng cách.
Trong khi Trump quay cuồng giữa khủng hoảng bủa vây, Biden vạch ra kế hoạch tái thiết nền kinh tế, tuân thủ hướng dẫn y tế bằng cách đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, đăng những bài phát biểu thể hiện sự đồng cảm từ nhà riêng, thừa nhận mất mát to lớn của người Mỹ vì đại dịch.
Giữa lúc Trump thổi bùng căng thẳng chủng tộc sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis dẫn đến làn sóng biểu tình, Biden trò chuyện với gia đình của Floyd, phát biểu tại tang lễ của anh, quỳ gối cùng người biểu tình. Ông còn có một bài phát biểu được đón nhận rộng rãi về bất bình đẳng chủng tộc, cũng như sự cần thiết của việc giải quyết tình trạng cảnh sát bạo lực với người Mỹ da màu.
Chiến dịch của Biden bác bỏ quan điểm rằng lợi thế của ông là nhờ "ăn may". "Đối phó với một đại dịch toàn cầu, nền kinh tế sụp đổ và tình trạng bất ổn chủng tộc không phải một cú bứt phá nhờ may mắn", Matt Hill, phát ngôn viên của Biden, cho hay.
"Người dân đang đau khổ. Họ đã mất việc làm và những người thân yêu, nên cần một lãnh đạo giàu kinh nghiệm và biết đồng cảm, người có thể đoàn kết, chữa lành và đưa đất nước đi lên. Dù không được giới báo chí và học giả để mắt, chúng tôi đã thắng đề cử, củng cố đảng và giành lợi thế để đánh bại Trump, bởi Biden đã đưa ra thông điệp đúng đắn trong thời khắc lịch sử. Đó là chúng ta đang trong cuộc chiến vì tinh thần dân tộc", Hill nói.
"Người xưa có câu hay không bằng hên. Nhưng dường như Biden có cả hai", bình luận viên Alter nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Time)