"Một đợt dịch xuất hiện làn sóng mới khi xuất hiện số ca mắc tăng đột biến so với trước", ông Dũng nói tại hội nghị y khoa ở TP HCM, ngày 10/3. Theo quy luật gây bệnh của virus và thực tế ở một số nước mà Omicron từng quét qua, dự kiến 2-3 tuần nữa số ca nhiễm mới sẽ giảm. Do đa số người mắc đã có miễn dịch nên làn sóng này sẽ tương đối nhẹ nhàng hơn, sau đó số ca nhiễm có thể vẫn tăng nhưng số nặng tương đối ổn định, không còn đáng lo ngại.
"Về nguyên tắc, làn sóng dịch sẽ xuất hiện tiếp theo, trừ khi hầu hết người dân đã có miễn dịch và miễn dịch mạnh. Hiện miễn dịch chưa bền vững nên dịch sẽ thành chu kỳ", ông Dũng nói. Thông thường, những bệnh nhiễm có hiện tượng suy giảm dần miễn dịch như Covid-19 (tức người mắc bệnh rồi vẫn có khả năng tái nhiễm chứ không miễn nhiễm hoàn toàn, giảm kháng thể sau tiêm vaccine), sẽ tạo vài làn sóng trước khi trở thành bệnh lưu hành.
Ông dự đoán: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ trải qua hai làn sóng dịch với biến chủng Omicron. Nếu tình hình ổn định, trong khoảng 5-6 tháng tới, Việt Nam có thể nới lỏng dần, xem Covid-19 là bệnh thông thường".
Trước đó, quan điểm của các chuyên gia về "làn sóng dịch bệnh mới có thể sẽ xảy ra" cũng được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề cập tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế. Ông Mãi yêu cầu Sở Y tế phân tích, đánh giá để nhận định đúng tình hình, có hay không có làn sóng dịch mới, và đưa ra giải pháp phù hợp.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện biến chủng Omicron chiếm ưu thế, số ca nhiễm tăng cao, các ngành chức năng sẽ điều chỉnh chính sách cho phù hợp... nên có thể gọi đây là làn sóng dịch mới.
Nên xem Covid là bệnh thông thường chưa?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành truyền nhiễm, ủng hộ sớm xem Covid-19 là bệnh lưu hành. Theo đó, Việt Nam đang trong làn sóng dịch mới nhưng đa số người nhiễm có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ chuyển nặng thấp. Chủng Omicron chiếm ưu thế và "đẩy lùi" được chủng Delta như một số nước trên thế giới thì dịch bệnh sẽ không còn là gánh nặng.
Việc chần chừ xem Covid-19 là bệnh thông thường sẽ gây nhiều thiệt hại về kinh tế, như tốn chi phí xét nghiệm, truy vết, theo ông Khanh. Khi đã xem Covid-19 là bệnh lưu hành, người có triệu chứng sẽ tự điều trị, không cần xét nghiệm. "Nếu biết bệnh vài ngày sẽ khỏi thì không cần xét nghiệm, gây tốn kém không cần thiết, chỉ cần tập trung bảo vệ nhóm người nguy cơ", bác sĩ nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có quan điểm khác, rằng chưa nên xem Covid-19 là bệnh thông thường vào thời điểm này, mà cần đặt ra câu hỏi "xem Covid-19 là bệnh lưu hành thì có lợi ích gì trước mắt, có gì thay đổi, có tích cực gì về kinh tế?". "Nếu mục đích rõ ràng thì tuyên bố Covid-19 là bệnh lưu hành, còn không thì chờ đến khi thật sự là bệnh lưu hành hãy tuyên bố", tiến sĩ Dũng nói.
Một bệnh dịch được coi là bệnh thông thường khi nó lưu hành ổn định trong cộng đồng, có thể dự đoán được số lượng ca nhiễm ở mỗi thời điểm nhất định. Bệnh cần tạo miễn dịch cộng đồng, đồng thời ngành y tế có khả năng khống chế được dịch.
Một số nước như Anh không lo ngại làn sóng dịch mới, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng virus nên không bắt buộc tự cách ly. Tuy nhiên chính quyền vẫn khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang. Nhiều quốc gia khác, kể cả Mỹ, chưa xem Covid-19 là bệnh cúm, bệnh thông thường, do bệnh đang gây tử vong gấp 4-5 lần cúm.
"Việt Nam không thể bằng Mỹ về nguồn lực y tế, chưa đủ mạnh để đảm bảo dịch sẽ không gây tử vong, nên chưa thể xem Covid-19 là bệnh lưu hành ở thời điểm này", ông Dũng phân tích.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, dự đoán nếu không xuất hiện chủng mới, hoặc có vaccine hiệu quả phòng lây nhiễm cao hơn, có thuốc điều trị đặc hiệu, thì đến cuối năm 2022, Covid-19 có thể trở thành bệnh lưu hành. "Sự xuất hiện các chủng mới có thể sẽ tạo ra một làn sóng dịch mới, thậm chí nhiều làn sóng dịch. Khi đó, vaccine không còn hiệu quả chẳng hạn, vậy nên chưa thể coi Covid là bệnh thông thường", ông nói với VnExpress và cho rằng "khó dự đoán dịch".
Theo ông Phu, bệnh cúm là một ví dụ, cũng xuất hiện các biến chủng mới qua từng năm nhưng đều là biến chủng nhẹ. Do đó cúm được coi là bệnh thông thường, mỗi năm tiêm vaccine cúm nhắc lại một lần. Với Covid-19, các nhà nghiên cứu trên thế giới hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa dự báo được thời điểm đại dịch kết thúc.
Sau đợt lây nhiễm mạnh chưa từng có do biến chủng Omicron ở nhiều quốc gia từ cuối năm ngoái, số ca mắc mới và tử vong toàn cầu có xu hướng giảm, từ 10% đến 16% vào tuần trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo Omicron không phải điểm kết thúc của đại dịch. Nó giống "quãng nghỉ" giữa các làn sóng trước đó. Khi khả năng miễn dịch suy yếu, biến chủng khác xuất hiện, lượng người nhiễm virus có thể tăng cao.
Nhà dịch tễ học Adam Kucharsky, phó giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết khó dự đoán thời điểm xuất hiện biến chủng tiếp theo. Song ông chỉ ra rằng dịch bệnh từng lắng xuống với nhịp độ tương tự giữa hai làn sóng Alpha và Delta. "Nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm giảm có thể đang ở trong 'quãng nghỉ', khả năng lây truyền của virus thấp hơn. Nếu phần lớn ca nhiễm giảm nhờ có vaccine, xu hướng này sẽ sớm biến mất vì hiệu quả vaccine với Omicron kém đi theo thời gian", ông Kucharsky cho biết.
Để tiến tới xem Covid-19 là bệnh lưu hành, các chuyên gia cho rằng cần đặt ra các điều kiện như tiêm vaccine, năng lực điều trị, giám sát về dịch tễ, cung cấp đủ test xét nghiệm cho người dân tự xét nghiệm và tự cách ly, giám sát về các biến chủng mới... "Một bệnh được xem là lưu hành khi mức độ tác hại lên xã hội không nhiều", bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói.
Quan điểm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu từng được Thủ tướng nêu tại phiên họp Chính phủ ngày 3/3. Hồi giữa tháng 2, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từng đề xuất Việt Nam nên coi Covid là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch.
Sau đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế cho rằng thời gian này Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành". Bộ tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus để tham mưu Thủ tướng quyết định coi Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.
Lê Phương - Thúy Quỳnh