Triều Tiên hồi đầu tháng cảnh báo cách hành xử của Mỹ sẽ quyết định "món quà Giáng sinh" họ nhận được vào hạn chót đàm phán phi hạt nhân hóa vào cuối năm. Nước này sau đó tuyên bố đã tiến hành thành công hai "thử nghiệm quan trọng" diễn ra tại bãi phóng vệ tinh Sohae ngày 7 và 13/12.
Giới quan sát cho rằng "món quà Giáng sinh" mà Triều Tiên có thể gửi đến Mỹ là một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể mang vũ khí hạt nhân với tầm bắn vươn tới Mỹ ngay sau ngày 25/12. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley hôm 20/12 cho biết quân đội Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng cho bất cứ hành động nào của Triều Tiên dịp Giáng sinh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quân sự không phải là biện pháp duy nhất Mỹ có thể dùng để "đáp lễ" Triều Tiên khi Bình Nhưỡng khai hỏa ICBM vào dịp này, bởi việc sử dụng sức mạnh quân sự có nguy cơ khiến nỗ lực đàm phán Mỹ - Triều suốt hai năm qua "đổ sông đổ bể".
Nếu không có đột phá ngoại giao lớn xảy ra trong những ngày tới, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tăng đến mức chưa từng có trong hai năm qua.
"Tổng thống Trump sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu Chủ tịch Kim Jong-un không chỉ làm ông bẽ mặt mà còn phá vỡ cam kết cá nhân rằng Triều Tiên sẽ dừng thử các loại tên lửa tầm xa. Tổng thống Trump coi các hành động đó là nỗ lực làm tổn hại đến cơ hội tái tranh cử của ông và sẽ không chấp nhận mối đe dọa như vậy", một quan chức Nhà Trắng giấu tên hôm 17/12 nói với Harry Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia.
Quan chức này cho biết Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên và sẵn sàng trở nên rất linh hoạt để tìm kiếm thỏa thuận hiệu quả cho cả hai bên. "Tuy nhiên, nếu Triều Tiên quyết định kiểm tra quyết tâm của chúng tôi bằng một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chúng tôi sẽ đáp trả", quan chức Nhà Trắng cho biết.
Khi được hỏi biện pháp đáp trả này sẽ là gì, quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ có thể nâng chiến dịch gây áp lực tối đa lên Triều Tiên lên mức độ từng được thực thi hồi cuối năm 2017. "Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ là khởi đầu và là một phần của chiến dịch đáp trả quy mô lớn hơn", người này nói.
Bên cạnh các lệnh cấm vận đơn phương, Mỹ có thể triệu tập một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) để yêu cầu tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Bất cứ vụ thử tên lửa tầm xa nào của Triều Tiên cũng vi phạm các nghị quyết được LHQ thông qua trước đây.
Mỹ có thể chủ động trừng phạt các thực thể bị cáo buộc giúp Triều Tiên rửa tiền, trong đó có các ngân hàng Nga và Trung Quốc. Ngoài các lệnh trừng phạt, Mỹ còn lựa chọn tấn công mạng nhằm vào Triều Tiên để chặn hàng tỷ USD thu được thông qua hoạt động kinh doanh tiền ảo, tấn công các ngân hàng và khai thác các công cụ tài chính khác.
Khi kết hợp đồng bộ các biện pháp trên, Mỹ có thể khiến Triều Tiên mất đi nguồn thu lớn dành cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, cũng như cho các dự án kinh tế đang được triển khai.
Một quan chức Nhà Trắng khác cho rằng Triều Tiên có thể hợp tác với Mỹ để tìm giải pháp mà không đưa ra chiến thuật gây áp lực bằng hạn chót. "Luôn có giải pháp cho tình hình, nhưng các vụ thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân chỉ khiến chúng ta mất nhiều thời gian để đạt được nó", quan chức này nói.
Giới chuyên gia cho rằng trong hai thử nghiệm ở Sohae, Triều Tiên đã thử một động cơ tên lửa mới, có thể dành cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới hoặc một mẫu cũ. Thử nghiệm còn lại có khả năng liên quan đến thiết bị hồi quyển giúp bảo vệ đầu đạn hạt nhân khỏi sức nóng và lực ma sát khi trở về Trái Đất. Công nghệ hồi quyển là yếu tố cuối cùng Triều Tiên cần để hoàn thiện vũ khí hạt nhân có thể tấn công các mục tiêu tầm xa.
Đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2 kết thúc mà không có thỏa thuận. Cuộc gặp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Panmunjom hồi cuối tháng 6 không khiến tình hình khả quan hơn.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Son ngày 7/12 thông báo chấm dứt đàm phán hạt nhân với Mỹ do "lời kêu gọi đối thoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là mánh khóe câu giờ để phục vụ chương trình nghị sự trong nước", đề cập đến chiến dịch tái tranh cử của Trump.
Nguyễn Tiến (Theo FN)