William F. Liebenow, sĩ quan hải quân Mỹ trong thời Thế chiến II, qua đời ngày 23/8 ở Arlington. Chiến công nổi bật nhất của ông là giải cứu John F. Kennedy năm 1943, người sau này trở thành tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, theo Washington Post.
Liebenow gia nhập hải quân Mỹ sau trận Trân Châu Cảng - đòn tấn công bất ngờ Nhật nhằm vào căn cứ Mỹ tại Hawaii năm 1941. Gần hai năm sau, ông đóng quân tại quần đảo Solomon, phía đông Australia và Papua New Guinea. Một trong những người bạn cùng lều của Liebenow là Kennedy, 26 tuổi, đến từ Massachusetts.
Cả hai đều là chỉ huy của tàu tuần tra ngư lôi, được gọi là PT. Những chiếc tàu này có ba động cơ khỏe, chở khoảng chục người và 4 quả ngư lôi. Trong một chuyến tuần tra đêm, tàu PT-109 của Kennedy bị tàu khu trục Nhật đâm va. Nó vỡ đôi, động cơ nổ tung khiến hai người thiệt mạng.
Kennedy và 10 người sống sót bơi 4 giờ đến một hòn đảo nhỏ không người ở và chờ đợi cứu viện. Trong 6 ngày, họ sống bằng những quả dừa trên đảo.
Kennedy cố gắng bơi vào ban đêm với hy vọng gặp một chiếc tàu PT khác tuần tra. Nhưng tại nơi đồng đội của Kennedy đóng quân, các lãnh đạo cho rằng không ai sống sót trong vụ nổ PT-109 nên không điều tàu đi tìm kiếm cứu hộ.
Nhóm của Kennedy gặp được Eroni Kumana và Biuku Gasawere, hai người sống ở quần đảo Solomon đi xuồng ngang qua. Mặc dù Kennedy không biết chắc hai người này theo phe nào, ông cho rằng có khả năng xuồng của họ sẽ đến nơi quân đồng minh kiểm soát và muốn nhờ họ truyền tin giúp mình.
Ông không biết ngôn ngữ của họ, cũng không có giấy bút. Ông chỉ có một con dao và một hòn đảo đầy dừa. Kennedy nhặt một quả lên và khắc: "11 người còn sống. Cần thuyền nhỏ".
Quả dừa được đưa cho người lính Australia phụ trách theo dõi bờ biển Thái Bình Dương và người này chuyển tin nhắn đến căn cứ Mỹ trên đảo Rendova. Nhưng hải quân Mỹ hoài nghi đây có thể là một cái bẫy. Họ quyết định chỉ cử một tàu đi để không chịu nhiều tổn hại nếu bị phục kích.
70 năm sau, khi Liebenow được các nhà sử học hỏi tại sao tàu PT-157của ông được chọn làm nhiệm vụ, ông thỉnh thoảng nói sự thật: Chúng tôi là "các thủy thủ giỏi nhất ở Nam Thái Bình Dương". Tuy nhiên, ông thường thích nhắc lại câu nói đùa của các đồng đội: "Chúng tôi là những người đáng hy sinh nhất".
Liebenow khi đó phải đến chỗ của Kennedy thật nhanh nhưng cũng phải cẩn trọng, không tạo ra đường rẽ nước lớn để tránh đánh động tàu Nhật Bản. Khi Kennedy nhìn thấy PT-157, ông hét lên: "Sao giờ này các anh mới tới?".
"Chúng tôi mang một ít thức ăn cho các anh", Liebenow nói.
"Cảm ơn, tôi không cần", Kennedy đáp. "Tôi vừa chén một quả dừa xong".
Khi thủy thủ đoàn của Kennedy lên tàu, họ chia nhau rượu để ăn mừng nhiệm vụ thành công.
Câu chuyện về tàu PT và quả dừa sau này được nhắc đến để ghi điểm cho chiến dịch tranh cử của Kennedy năm 1960. 17 năm sau cuộc giải cứu, Liebenow hỗ trợ Kennedy khi ông đi vận động tranh cử ở Michigan. Kennedy giữ vỏ quả dừa cứu mạng và biến nó thành một cái chặn giấy trên bàn làm việc trong Phòng Bầu dục. Ông giữ chức tổng thống từ năm 1961 cho đến năm 1963, khi ông bị ám sát ở Texas.
Liebenow khi đó đã kết hôn và có hai người con. Ông làm việc cho hãng đường sắt Chesapeake và Ohio. Từng là anh hùng trong thời chiến, ông hạnh phúc khi được trở lại cuộc sống bình thường trong thời bình.
"Ông ấy sống như Clark Kent", Bridgeman Carney, người từng phỏng vấn Liebenow, nói, nhắc đến thân phận thật của nhân vật siêu nhân trong truyện tranh.
Ngày 23/8, một lẵng hoa đỏ trắng được gửi từ Caroline Kennedy - con của cố tổng thống Kennedy - được đặt tại nơi an nghỉ cuối cùng của Liebenow cùng dòng chữ: "Với sự trân trọng lớn nhất".