Việc thiếu thốn USD đang khiến các quầy đổi tiền tại Qatar lao đao. Nó cũng khiến nhiều lao động nước ngoài tại đây lo lắng, vì khó gửi tiền về nhà. Nguyên nhân là các ngân hàng nước ngoài đang hạn chế giao dịch với Qatar do cuộc khủng hoảng ngoại giao trong khu vực.
"Chúng tôi không còn USD nữa, vì bị gián đoạn nguồn cung từ UAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất)", một nhân viên tại hãng dịch vụ ngoại hối Qatar-UAE Exchange House ở trung tâm thương mại City Center (Doha, Qatar) cho biết, "Việc vận chuyển sang đây bị cấm rồi".
Nhiều quầy đổi tiền khác ở Doha cũng cho biết họ không còn nguồn cung USD. Tại Qatar-UAE Exchange, hàng chục người đang kiên nhẫn đợi đổi tiền hoặc chuyển tiền về nước cho gia đình.
"Sáng nay tôi đã nói chuyện với vợ rồi. Cô ấy bảo gửi ngay tiền tiết kiệm về nước. Tôi thì không hoảng loạn đâu, nhưng gia đình tôi lại sợ", John Vincent - một thợ sửa điều hòa tới từ Philippines cho biết, "Tôi đã gửi 2.000 riyadh (550 USD) về nhà rồi, nhưng vẫn còn một ít ở đây. Tôi sẽ xem tình hình vài ngày tới thế nào, rồi mới quyết định làm gì tiếp".
Việc thiếu hụt USD không có nghĩa Qatar - một trong những quốc gia có GDP bình quân và dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới - hết tiền. Tuy nhiên, nó lại cho thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao đang xáo trộn phần nào hệ thống tài chính nước này.
*Qatar trước các thách thức từ khủng hoảng ngoại giao
Các nhà băng Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã bắt đầu hạn chế giao dịch với Qatar từ tuần trước. Nguyên nhân là Chính phủ các nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao và tuyến giao thông với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ cho các nhóm khủng bố. Cuối tuần trước, UAE còn đề nghị các nhà băng thực hiện "các biện pháp cần thiết" với 6 ngân hàng Qatar bị cáo buộc làm việc với các cá nhân hoặc tổ chức trong danh sách khủng bố.
Việc này không có nghĩa họ cấm hoàn toàn việc kinh doanh với Qatar, nhưng ảnh hưởng của nó có thể cũng chẳng khác mấy. Các ngân hàng UAE gần như vắng bóng trên thị trường tiền tệ và ngoại hối của Qatar hôm qua. Họ lo ngại sẽ gặp rủi ro pháp lý nếu có giao dịch.
Trong khi đó, nhiều nhà băng phương Tây tại Qatar vẫn hoạt động bình thường. Một phần vì họ không muốn bỏ lỡ hàng tỷ USD cho các dự án xây dựng mà Qatar đã lên kế hoạch để tổ chức World Cup 2022.
Tuy vậy, nhiều ngân hàng phương Tây đã ngừng các dịch vụ mới tại đây, như cho vay liên ngân hàng hay cho vay hợp vốn. Còn các hoạt động đã có từ lâu vẫn bình thường. "Ai cũng sốc. Họ không lo lắng về tín nhiệm của Qatar. Họ sợ các lệnh từng phạt trong khu vực sẽ dần leo thang thành cấp quốc tế", đại diện một ngân hàng nước ngoài tại đây cho biết.
Một lý do khác khiến USD thiếu hụt là yếu tố mùa vụ, các quầy đổi tiền tại Qatar cho biết. Vì thời điểm này trong năm, Vùng Vịnh khá nắng nóng. Tháng lễ Ramadan cũng đã bắt đầu, kéo nhu cầu di chuyển ra nước ngoài cao.
"Tất cả ngân hàng và quầy đổi tiền đều hết USD rồi. Họ đang cố kiếm ngoại tệ từ nước khác", một nhân viên tại Qatar-UAE Exchange cho biết. Công ty này đang kỳ vọng vào một chuyến hàng từ Hong Kong (Trung Quốc).
Cổ phiếu của 5 trong 6 ngân hàng bị cho là có giao dịch với khủng bố - UAE - Qatar National Bank, Qatar Islamic Bank, Qatar International Islamic Bank, Masraf Al Rayan, Doha Bank đã giảm tuần trước. Nhà đầu tư lo ngại các nhà băng này sẽ khó huy động vốn từ nước ngoài. Ngân hàng còn lại - Barwa Bank thì chưa niêm yết.
Các nhà băng Qatar hiện có khoảng 60 tỷ riyadh (16,5 tỷ USD) là tiền gửi của khách hàng và gửi liên ngân hàng từ các nước Vùng Vịnh khác, SICO Bahrain ước tính. Phần lớn số này có thể bị rút hết về nếu khủng hoảng tiếp diễn. Khi ấy, các nhà băng Qatar có thể sẽ phải vay từ ngân hàng trung ương.
Hà Thu (theo Reuters)