![]() |
Rocket Qassam-2 của Hamas rơi gần thành phố Ashketon của Israel. |
Lần sử dụng đầu tiên của Qassam-2 diễn ra vào tháng 2/2002 nhằm vào mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Israel. Loại tên lửa này đã gây ra mức độ sát thương không đáng kể đối với người và nhà cửa. Có người ước tính rằng, sức tàn phá của cả 2.000 quả tên lửa này cộng lại cũng chẳng làm ai thiệt mạng.
Tuy vậy, quân đội Israel vẫn coi việc bắn Qassam-2 của Hamas là một "báo động đỏ" và tổ chức này sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề vì hành động đó. Nhưng dường như sự đe doạ này không làm Hamas phải chùn tay. Hôm 28/8 vừa qua, 4 quả Qassam-2 đã được bắn vào Israel từ phía bắc Dải Gaza. Cũng giống như trước đây, loại vũ khí này không gây ra thiệt hại gì về người và tài sản cho Israel.
![]() |
Các chiến binh Hamas đang sửa soạn để bắn Qassam-2. |
Trong số những quả Qassam-2 nói trên có một quả đã bay tới sát một cơ sở công nghiệp ở thành phố duyên hải Ashkelon của Israel. Cho đến nay, đây được coi là điểm xa nhất mà Qassam-2 của Hamas có thể vươn tới được.
Ngay sau đó, một chỉ huy quân sự của Hamas đã bị giết bằng tên lửa bắn từ trực thăng chiến đấu Apache của Israel. Ngoài ra, 8 chiếc xe tăng và 2 xe thiết giáp chở quân của quân đội Do Thái đã tràn vào phía bắc Dải Gaza và lật tung tất cả những nơi nào họ tình nghi các chiến binh bắn tên lửa Qassam-2 đang ẩn náu. Theo các nhà phân tích, quân đội Israel đang muốn "rằn mặt" để ngăn chặn các hành động bắn tên lửa của chiến binh.
Việc Hamas triển khai loại tên lửa Qassam-2 được coi như một bước chuyển quan trọng trong chiến dịch hoạt động của họ. Nhưng khả năng tàn sát của loại vũ khí này hầu như không có đã khiến Hamas chưa thể thay đổi hoàn toàn chiến thuật và vẫn phải phụ thuộc vào các vụ tấn công tự sát quen thuộc.
![]() |
Rocket Qassam-2 và súng phóng do quân đội Israel thu giữ. |
Nếu Qassam-2 được Hamas nâng cấp và sử dụng hiệu quả hơn, thành phố Ashkelon của Israel sẽ dễ dàng nằm trong tầm tấn công của họ từ phía Dải Gaza. Đồng thời, Tel Aviv cũng nằm trong tầm bắn từ phía khu Bờ Tây. Đặc biệt, với độ bay xa của Qassam-2, sân bay Ben Gurion chiến lược của Israel đã nằm gọn trong tầm tấn công nếu những chiến binh khai hoả từ khu Bờ Tây.
Mối lo ngại của Tel Aviv là hoàn toàn có cơ sở. Mới đây, nhóm Hamas đã tuyên bố đang phát triển loại tên lửa Qassam-3 và Qassam-4 có tầm bay xa và hiệu quả sát thương cao hơn Qassam-2. Theo các sĩ quan quân đội Do Thái, Qassam-2 có tầm bay từ 10 đến 12 km. Loại tên lửa này được bắn ra từ một thiết bị phóng đơn giản dài khoảng một mét, đường kính 120 mm. Qassam-2 sử dụng lượng thuốc nổ tự tạo có trọng lượng từ 4 đến 6 kg. Đây vốn là hợp chất của đường ăn, dầu mỏ, rượu và phân bón.
![]() |
Qassam-2 thể hiện sự thô sơ qua những mối hàn vội vàng. |
Qassam-2 được phát triển từ tên lửa Qassam-1 có tần bắn chỉ tương đương với đạn súng cối. Mặc dù còn rất thô sơ nhưng việc lắp ráp loại tên lửa này rất đơn giản và rẻ tiền. Nguy hiểm hơn, nó có thể được bắn bằng một thiết bị hẹn giờ, cho phép các chiến binh Hamas có thể tránh được sự trả đũa của quân đội Israel.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, tác giả của Qassam, loại tên lửa đầu tiên do người Palestine tự chế tạo là một nhà phát minh trẻ tuổi có tên Said Hussain Awad. Said sinh ngày 7/3/1977 và trưởng thành từ trại tị nạn Al-Shaboora ở thành phố Rafah, giáp biên giới Ai Cập. Người thân của Said kể lại, ngay từ ngày còn tấm bé Said đã có thú vui là phá tung những món đồ điện tử nào mình có được như đài, đồng hồ... sau đó tỉ mẩn tìm cách lắp ráp lại như cũ.
Said Hussain Awad đã tham gia vào phong trào nổi dậy (Intifada) lần thứ nhất của người Palestine khi mới 14 tuổi và bị bắt ngay sau đó. Khi được thả, Said lại chỉ huy một nhóm nhỏ các thành viên trẻ tuổi của Hamas chuyên thực hiện các hoạt động chống quân chiếm đóng Israel. Họ đã sử dụng một loại vũ khí thô sơ làm từ những cái chai chứa đầy thuốc nổ do Said chế tạo để tấn công các vị trí của quân đội Do Thái.
![]() |
Said Hussain Awad chụp ảnh cùng cậu con trai độc nhất của mình trước ngày thiệt mạng. |
Năm 1994, Said bị bắt lần thứ hai và phải bóc lịch trong nhà giam của người Israel suốt 4 năm. Sau khi được tự do, Said tiếp tục tìm cách chế tạo ra những thiết bị có thể chống lại quân đội Do Thái chiếm đóng hiệu quả hơn so với việc dùng gạch đá chọi với xe tăng mà các thanh niên Palestine thường làm.
Cuối cùng, loại tên lửa Qassam-1 đã được Said cho ra đời và không bao lâu nó lại được anh cải tiến thành Qassam-2. Said đã bí mật di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau để hướng dẫn cách chế tạo và sản xuất Qassam-2 trước sự truy quét gắt gao của quân đội Israel.
Ngày 5/4/2002, Said Hussain Awad đã thiệt mạng cùng 5 chiến binh Hồi giáo khác trong một cuộc bao vây của quân đội Do Thái ở Tobas, ngoại ô thành phố Jenin. Đến nay, nhiều người Hồi giáo ở Trung Đông vẫn coi Said Hussain Awad như một người anh hùng trong lòng họ.
Sự ra đời của tên lửa Qassam tuy chưa gây thiệt hại đáng kể nhưng đã khiến giới chức an ninh Israel phải giật mình. Họ luôn tiến hành các biện pháp đối phó cứng rắn nhất mỗi khi phát hiện có địa điểm bắn ra loại tên lửa này. Nhiều nhà phân tích đang dự đoán một sự chuyển biến quan trọng trong cuộc xung đột ở Trung Đông, một khi những người kế thừa kỹ thuật của Said cải tiến tên lửa Qassam.
Thông số kỹ thuật |
Qassam-1 |
Qassam-2 |
Chiều dài | 70 cm | 180 cm |
Tầm bay | 2-3 km | 10-12 km |
Trọng lượng đầu đạn | 600 gr | 5-6 kg |
Đường kính | 8 cm | 12 cm |
Đình Chính (theo Islam Online, BBC)