Ông Vũ Đức Thuận - nguyên ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - cùng 3 nguyên lãnh đạo khác của doanh nghiệp này vừa bị bắt tạm giam để điều tra các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại tổng công ty này.
Đang từ đơn vị làm ăn có lãi, PVC dưới thời điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận trở thành “con nợ khủng” của các ngân hàng.
Tình hình kinh doanh sa sút của PVC bắt đầu từ năm 2012, dưới sự điều hành trực tiếp của ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC (người đang bị truy nã quốc tế) và ông Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của PVC, do không có nguồn việc mới nên sản lượng, doanh thu của tổng công ty năm 2012 giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ và đặc biệt là hàng loạt công ty con, công ty liên kết mà PVC đã rót vốn đồng loạt làm ăn thua lỗ trong năm này (Công ty liên kết PVC – Land lỗ 66,4 tỷ đồng; PVC – Sài Gòn lỗ 85,8 tỷ; Công ty PVC – ME lỗ 576 tỷ đồng... ) đã khiến PVC lỗ gần 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012, riêng lỗ của công ty mẹ gần 1.340 tỷ đồng. Số lỗ này tăng thêm gần gấp đôi một năm sau đó.
Dù năm 2012 các công ty con của PVC liên tục thua lỗ, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đổ vốn vào các công ty con với niềm hy vọng “vực dậy trứng vàng”. Vừa tăng thêm 1.500 tỷ đồng vốn điều lệ (từ 2.500 tỷ lên 4.000 tỷ đồng) vào cuối 2012, PVC tức tốc “ném” hơn 3.300 tỷ đồng (khoảng 85,72% vốn điều lệ) vào các công ty con.
Có thêm tiền được rót từ công ty mẹ, nhưng sau một năm 16 công ty con, 13 công ty liên kết của PVC không những không khôi phục được sản xuất, tránh lỗ, mà còn lún sâu thêm vào vòng xoáy nợ, thua lỗ. Bản báo cáo tài chính năm 2013 của PVC ghi nhận, phần lớn các công ty con, công ty liên kết của PVC ở thời điểm này đều không có hợp đồng, hàng nghìn người lao động phải nghỉ vì không có việc làm.
Để vực dậy, đồng thời hỗ trợ tính thanh khoản, lãnh đạo PVC thời điểm đó là Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận đã phải cầu viện, nhờ tập đoàn mẹ - PetroVietnam giải cứu. 1.000 tỷ đồng được PetroVietnam rót cho PVC trên danh nghĩa mua lại phần lớn số cổ phiếu phát hành thêm của công ty này. So với khoản lỗ lũy kế và dư nợ quá hạn trong ngân hàng mà PVC phải “gánh” thì 1.000 tỷ “viện trợ” từ tập đoàn mẹ không giúp doanh nghiệp này thoát khỏi khó khăn. 6 tháng đầu năm 2013 PVC tiếp tục báo lỗ hợp nhất gần 2.230 tỷ đồng và cả năm 2013 là gần 3.300 tỷ.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại đại hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 doanh nghiệp này lỗ gần 2.300 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 1.930 tỷ.
Lỗ hợp nhất cả năm 2013 gần 3.300 tỷ đồng. Thua lỗ lớn, nên tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVC năm 2013 âm tới 150,09%. PVC tiếp tục rơi vào vòng xoáy mất cân đối dòng tiền.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại PetroVietnam và một số đơn vị thành viên, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước. Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, rất nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công, để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách nhà nước.
Riêng tiền tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc tại công ty mẹ và các công ty tính đến thời điểm 30/6/2013 chốt trên sổ sách của PVC lên tới hơn 138,8 tỷ đồng. Các nhà thầu cũng được ứng thừa hơn 5.144 tỷ đồng khi thực hiện các dự án của PVC. Riêng phần công nợ phải thu của tổng công ty mẹ và các đơn vị thành viên thời điểm này cũng lên tới hơn 2.813 tỷ đồng. Việc chi tiêu quá tay khiến PVC không thể cân đối được nguồn vốn để trả lãi vay ngân hàng. Ghi nhận khoản dư nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC ở thời điểm cuối năm 2013 lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Thời điểm PVC lún sâu vào kinh doanh thua lỗ nhất, cũng là lúc các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận rời vị trí lãnh đạo cao nhất tại PVC, cuối năm 2013. Ở tình thế mất cân đối dòng tiền do công nợ phải thu quá lớn, để tồn tại ban lãnh đạo mới của PVC cuối năm 2013 đã phải có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng và các bộ ngành đề nghị chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh toàn bộ nợ gốc, miễn lãi trong hạn và quá hạn đối với toàn bộ khoản nợ vay của PVC.
Đơn vị này cũng đề nghị sẽ thực hiện trả nợ gốc cho ngân hàng sau khi khôi phục được vốn chủ sở hữu (khi đó đã giảm từ 4.000 tỷ xuống còn 134 tỷ đồng). Lãnh đạo PVC cũng xin khoanh toàn bộ khoản bảo lãnh cho đơn vị vay vốn của PVC, đồng thời xin Thủ tướng có cơ chế đặc thù chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất 0% một năm.
“Năm 2013, PVC không thể thu xếp được nguồn để trả tập đoàn theo kế hoạch nên đề nghị được giãn nợ. Công ty sẽ tăng cường và siết chặt quản lý điều hành sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, theo các quy định của tập đoàn, đặc biệt trong công tác quản lý tài chính. PVC sẽ tích cực triển khai công tác thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản công nợ ứng vượt của nhà thầu và các khoản công nợ cá nhân”, văn bản cầu cứu gửi Thủ tướng của PVC viết.
Kết luận điều tra ban đầu của cơ quan điều tra cũng cho thấy, thời điểm năm 2011 – 2013, PVC được giao làm nhà thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. Phạm vi thực hiện hợp đồng của nhà thầu, gồm thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp chạy thử, nghiệm thu, bàn giao vận hành và thu xếp vốn... Trong dự án này, PVC đã rót khoản tiền 110 tỷ đồng, trong đó, 4 bị can vừa bị cơ quan điều tra khởi tố (Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc, Nguyễn Mạnh Tiến và Trương Quốc Dũng đều là Phó tổng giám đốc và Phạm Tiến Đạt – kế toán trưởng) là những người liên quan trực tiếp, có dấu hiệu về hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản Nhà nước.