Bộ Công an vừa thông báo việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, tạm giam 4 bị can về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Trong số đó, ông Trương Quốc Dũng - cựu Phó tổng giám đốc PVC cũng được nhiều người biết đến bởi từng là Chủ tịch HĐQT trẻ nhất sàn chứng khoán vào năm 2011, khi mới 29 tuổi
Sinh năm 1982 tại Ninh Bình, vào năm 2007, ở tuổi 25 ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC (Mã CK: PVV). Ở thời điểm đó, ông cũng mới tốt nghiệp cử nhân kinh tế được 3 năm, và bắt đầu sự nghiệp với vai trò chuyên viên tại Ban dự án Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI).
Hai năm sau, ông Dũng tham gia Hội đồng quản trị PVV và nhanh chóng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT công ty này vào giữa 2011. Ở thời điểm được bổ nhiệm, ông là Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và giữ chức vụ này đến khi có quyết định khởi tố.
Chưa hết, kể từ 2011, khi PVC trở thành cổ đông của Vinaconex - PVC thì ông Dũng còn được giao "trọng trách" kiêm nhiệm luôn chức Phó tổng giám đốc PVC đến năm 2013. Đây cũng là giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh đang giữ chức vụ Chủ tịch PVC, còn ông Vũ Đức Thuận là Tổng giám đốc. Theo cơ quan điều tra, trong quá trình điều hành doanh nghiệp, các cá nhân này đã gây ra tình trạng thua lỗ 3.300 tỷ đồng tại PVC.
Tuy nhiên, không riêng PVC mà Vinaconex – PVC, đơn vị gắn liền với tên tuổi của ông Trương Quốc Dũng cũng có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa kéo dài nhiều năm nay.
Vinaconex - PVC tiền thân là Công ty Đầu tư phát triển và Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc, được thành lập năm 2007, với sự góp vốn của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Đến năm 2009, PVC tham gia góp vốn, từ đó công ty trở thành công ty liên kết của Vinaconex và PVC. Hiện cổ đông lớn của công ty là Công ty CP Chứng khoán MB, Công ty Quản lý quỹ Thái Bình Dương, Ocean Bank, PVcomBank, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex...
Hiện công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là xây dựng nhà máy, công trình của ngành dầu khí; thi công nhà cao tầng, hạ tầng giao thông, bất động sản. Tuy nhiên, kể cả ở thời đỉnh cao nhất là năm 2010 với mức doanh thu lên tới 722 tỷ đồng, PVV cũng chỉ đạt mức lợi nhuận ròng 20 tỷ đồng. Một năm sau đó, doanh thu giảm nhẹ nhưng lãi ròng cũng chỉ đạt 3 tỷ đồng.
Đặc biệt, vào năm 2012 doanh thu đã sụt giảm một nửa khiến công ty báo lỗ tới gần 50 tỷ đồng. Đến năm 2013, tình trạng còn tệ hơn khi mức doanh thu chỉ còn hơn 200 tỷ và mức lỗ cũng gấp đôi năm 2012.
Sau 2 năm thoát lỗ với mức lợi nhuận đem về vỏn vẹn 3-4 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016, PVV lại báo lỗ gần 19 tỷ do chi phí lãi vay lớn. Mức lỗ lũy kế tính đến cuối quý II/2016 của PVV là 145 tỷ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ. PVV có tổng tài sản 1.391 tỷ, trong khi nợ phải trả lên tới 1.172 tỷ đồng và chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Lỗ lũy kế lớn nên cổ phiếu PVV được đưa vào diện cảnh báo cho nhà đầu tư, cổ phiếu liên tục đi xuống trong thời gian dài. Suốt cả năm nay, cổ phiếu PVV chỉ dao động quanh mức 2.000-3.000 đồng. Ngay sau quyết định khởi tố ông Dũng và cựu lãnh đạo PVC được phát đi sáng 16/9, cổ phiếu PVV ngay lập tức giảm sàn, xuống chỉ còn 1.600 đồng. Thanh khoản đã tăng mạnh so với các phiên trước đó, lên hơn 100.000 đơn vị.