Khi Tổng thống Putin đến Bắc Kinh để tham dự cuộc họp cấp cao của APEC, ông có cuộc gặp lần thứ 10 với ông Tập kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc nhậm chức tháng 3 năm ngoái, theo thống kê của People's Daily. Mối quan hệ giữa hai bên ngày càng khăng khít, khi các lợi ích đầu tư, thương mại và địa chính trị song hành.
Moscow đang đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ phương Tây và các lệnh trừng phạt kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh cũng đang có mối quan hệ rất căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, cũng như phải bận tâm với cuộc biểu tình ở Hong Kong.
"Tình hình đang đẩy hai nước tới một mối quan hệ gần gũi hơn, cả hai đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề, Nga trong khủng hoảng Ukraina và Trung Quốc trong vấn đề ổn định Hong Kong", AFP dẫn lời Vladimir Yevseyev, giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị độc lập có trụ sở ở Moscow nói.
Tổng thống Nga Putin - người quyền lực nhất thế giới, theo Forbes, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người quyền lực thứ ba thế giới, tại Bắc Kinh ngày 9/11. Ảnh: RT. |
Ông Tập Cận Bình có xuất thân gần gũi với lĩnh vực quân đội và công nghiệp, hiểu rõ các cấu trúc thực thi quyền lực hơn so với người tiền nhiệm của mình, ông Yevseyev nhận xét. "Putin hiểu ông ấy (Tập) hơn, tầm nhìn của họ giống nhau. Ông Tập là người có thể chấp nhận sự đối đầu khi cần thiết, và điều đó khiến Putin ưa thích".
Mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh có lịch sử phức tạp. Sự tranh chấp lãnh thổ giữa Sa hoàng Nga và các triều đại phong kiến Trung Quốc đã nhường chỗ cho sự hợp tác giữa Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm đầu đời của Trung Hoa mới.
Tuy nhiên sau đó đã có sự chia rẽ lớn giữa hai bên về tư tưởng ý thức hệ, cũng như trong việc phân chia vai trò lãnh đạo phong trào Cộng sản quốc tế, việc có hợp tác với chủ nghĩa tư bản hay không, và việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân.
Cuối cùng, sự thay đổi cơ cấu chính trị toàn thế giới xảy ra khi Bắc Kinh và Washington chấm dứt sự thù địch lẫn nhau, và tổng thống Mỹ Richard Nixxon đến thăm Trung Quốc.
Liên bang Xô viết đã tan rã từ 23 năm trước, kể từ đó Nga cùng với Trung Quốc xích lại gần nhau bằng những mối quan tâm chung, đặc biệt là sự quan ngại đối với Mỹ. Hai nước thường bỏ phiếu giống nhau ở Hội đồng Bảo an LHQ, đôi khi là đối đầu với các nước phương Tây trong những vấn đề như Syria chẳng hạn. Đôi bên tiến hành các cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển; cùng là thành viên của nhóm các cường quốc kinh tế BRICS, bao gồm cả Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Sự liên kết kinh tế của hai bên đang phát triển. Nga, một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đang là nhà cung cấp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Sau một thập kỷ đàm phán, hai nước đã ký kết thỏa thuận khí đốt trong 30 năm với giá trị ước tính lên đến 400 tỷ USD trong một chuyến thăm của Putin đến Trung Quốc vào tháng 5.
“Khi châu Âu cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Nga, Trung Quốc là một thị trường thay thế”, ông Yevseyev nói
Hội nghị các nhà lãnh đạo của hơn 20 nền kinh tế châu Á Thái Bình dương sẽ diễn ra hôm nay và ngày mai. APEC chiếm hơn 50% tổng sản phẩm toàn cầu, 44% thương mại thế giới và 40% dân số của trái đất. Nga, với lãnh thổ vô cùng rộng lớn trải dài từ biển Baltic đến Thái Bình Dương, là thành viên châu Âu duy nhất của diễn đàn.
Các thành viên APEC đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, trong đó tập trung vào thương mại và hợp tác kinh tế, có xu hướng cố gắng xoa dịu các bất đồng lớn mỗi khi tề tựu tại hội nghị cấp cao.
Nhưng ông Tập, hậu duệ của một anh hùng thời chiến, và Putin, cựu điệp viên KGB từng ở Đông Đức khi Bức tường Berlin đổ, có thể sẽ tỏ thái độ cứng rắn trước những lời chỉ trích chính sách của Trung Quốc và Nga. Sau khi chịu những đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu trong vấn đề Ukraine, nay đến APEC, ông Putin thậm chí còn đi trước phương Tây trong vấn đề kinh tế, khi tuyên bố rằng Hiệp định đối tác xyên Thái bình dương TPP mà Mỹ đang kỳ vọng sẽ ít hiệu quả nếu thiếu sự tham gia của Nga và Trung Quốc.
Hôm qua, trong lần gặp thứ 5 chỉ tính riêng trong năm nay giữa ông Tập và ông Putin, đôi bên đã chứng kiến việc ký kết 17 thỏa thuận về kinh tế và quốc phòng. Trong đó, đáng chú ý nhất là Bản ghi nhớ về hợp đồng cung cấp gas khổng lồ mới, sẽ đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga. Hãng RIA Novosti dẫn lời quan chức điện Kremlin cho biết một trong những vấn đề được thảo luận là Trung Quốc có thể thanh toán các hợp đồng với Nga bằng nhân dân tệ, kể cả các hợp đồng quốc phòng.
Xuất hiện cùng ông Tập tại Bắc Kinh hôm qua, Putin nói: "Cho dù thế giới thay đổi thế nào, chúng ta quyết đi theo đường đã chọn để mở rộng và củng cố mối quan hệ song phương toàn diện đem lại kết quả.
"Ta đã cùng nhau chăm sóc cái cây Nga - Trung", ông Putin nói đầy hình ảnh. "Nay mùa thu đến, là mùa thu hoạch, đến lúc ta hái quả rồi".
Trọng Nghĩa