Những câu chuyện về sự sống sót và chịu đựng ấy cũng giống như hàng triệu câu chuyện khác của những người dân Xô viết từng trải qua nỗi kinh hoàng mang tên chiến tranh. Và chúng có một tác động mạnh mẽ đến cậu bé Putin.
70 năm sau chiến thắng phát xít Đức, người đàn ông quyền lực của điện Kremlin đang chuẩn bị chủ trì một cuộc duyệt binh quy mô lớn trên Quảng trường Đỏ vào cuối tuần này để kỷ niệm cuộc chiến tranh đã hình thành nên quan điểm của ông về vị trí của Nga trên thế giới cũng như những vấn đề nhạy cảm như vai trò lãnh đạo của Stalin và thỏa thuận với Đức Quốc xã.
Sinh năm 1952, hơn 7 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, bản thân Putin chưa bao giờ trải qua thời gian khó khăn mà người Nga vẫn gọi là cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại.
Thay vào đó, những ký ức được nhắc đến trong tiểu sử chính thức và nhiều cuộc phỏng vấn của ông xuất phát từ những câu chuyện của gia đình, người thân và bạn bè trong bữa tối. Cha của Putin, người được gọi là Vladimir, được điều động vào một đơn vị thuộc cơ quan tình báo NKDV của Xô viết. Đây là tiền thân của cơ quan tình báo KGB mà sau này Putin gia nhập.
Một ngày nọ, ông Vladimir và 27 đồng đội được điều đến thị trấn Nga Kingisepp, trên biên giới với Estonia. Họ bị rơi vào ổ phục kích của lính Đức sau khi "bị người dân địa phương phản bội", ông Putin kể lại. Trong số 28 binh lính, chỉ có 4 người trở về từ chiến trường.
Sau đó, ông Vladimir được điều đến sát Leningrad, nay là thành phố Saint Petersburg, nơi bị Đức bắn phá ác liệt và phải nhập viện sau khi bị thương trong một vụ nổ lựu đạn.
Vào thời điểm đó, mẹ của ông, bà Maria, đang vật lộn để sống sót qua nạn đói hoành hành thành phố suốt 900 ngày bị Đức Quốc xã bao vây. Một ngày nọ, bà ngất đi vì kiệt sức khi đang ở ngoài đường phố và bị một nhóm đi thu thập xác chết tưởng nhầm.
"Bà vẫn còn sống và ông ấy phải kéo bà ấy ra khỏi đống xác chết", ông Putin kể, nhắc đến cha mình. Tuy nhiên, cũng trong đợt bao vây đó, anh trai của ông, Viktor, qua đời vì bệnh bạch hầu.
Những câu chuyện của cha mẹ giúp Putin hình thành một cái nhìn về cuộc chiến tranh ác liệt và ông luôn bảo vệ vai trò của Liên Xô trong nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến.
Tháng 8/1939, Berlin và Moscow ký hiệp ước bí mật không xâm lược lẫn nhau, trong đó hai bên đồng ý phân chia Ba Lan và công nhận các nước Baltic thuộc Liên Xô. Hiệp ước chỉ được lãnh tụ tối cao của Liên Xô Mikhail Gorbachev chính thức thừa nhận vào năm 1989.
Với ông Putin, Liên Xô không có lựa chọn nào khác là ký một hiệp ước với Đức, sau khi Pháp và Anh ký hiệp ước Munich với Adolf Hitler năm 1938 liên quan đến Tiệp Khắc.
"Các lãnh đạo Xô viết cảm thấy rằng tại Munich, mối lâm nguy không chỉ đang đe dọa Tiệp Khắc mà còn cô lập cả Xô viết và đẩy Hitler tiến đến việc tấn công về phía đông", ông Putin nói.
Lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin đã ký kết một thỏa thuận với Hitler để bảo vệ "an ninh và lợi ích" quốc gia. "Mọi người nói rằng 'thật tồi tệ. Nhưng nếu Liên Xô không muốn đấu tranh thì mọi việc sẽ còn tồi tệ như thế nào?", ông Putin nói.
"Chúng ta có thể đổ lỗi cho các chỉ huy quân sự và Stalin chừng nào chúng ta muốn nhưng ai có thể đảm bảo rằng cuộc chiến này sẽ thắng?", ông Putin.
Những mất mát mà Xô viết phải hứng chịu là rất lớn sau khi Đức Quốc xã tiến hành cuộc xâm lược năm 1941 bằng hỏa lực và quân lực hung tợn chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Theo ông Putin, thách thức mà Xô viết phải đối mặt trước lực lượng Đức khiến sự hy sinh của họ đáng nhận được sự trân trọng của thế giới sau 70 năm.
"Anh quốc đã mất bao nhiêu người trong suốt cuộc chiến? Bao nhiêu người? 350.000 người? Còn Mỹ, khoảng nửa triệu người?", ông Putin nói. "Vâng, con số ấy thật nhiều và đáng sợ, nhưng nó chẳng là gì so với 25 triệu người đã thiệt mạng của Liên Xô".
Anh Ngọc (theo AFP)