"Quyết định của Mỹ đã phá hỏng cân bằng lợi ích giữa các thành viên trong hiệp ước và buộc Nga rút khỏi thỏa thuận. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng với quá trình xây dựng lòng tin và minh bạch, đồng thời đe dọa an ninh quốc gia Nga", Điện Kremlin ra thông cáo cho biết hôm nay, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký đạo luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở với Mỹ.
Động thái được tiến hành chỉ một tuần sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thông báo cho người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov về quyết định không quay lại hiệp ước này. Moskva từng hy vọng Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden có thể thảo luận về Hiệp ước Bầu trời Mở trong hội nghị thượng đỉnh ở Geneva vào giữa tháng 6.
Quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở khiến Mỹ và Nga chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép gần 30 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát được báo trước qua lãnh thổ của nhau để theo dõi các hoạt động quân sự tiềm tàng.
Quốc gia được giám sát sẽ nhận thông báo trước chuyến bay 72 giờ, đường bay sẽ được gửi tới trước 24 giờ để nước này đề xuất sửa đổi. Hiệp ước cho phép các thành viên yêu cầu bản sao hình ảnh được chụp trong chuyến bay giám sát do nước khác thực hiện.
Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Donald Trump tháng 11/2020 thông báo quyết định rút khỏi hiệp ước này, sau khi cáo buộc Nga liên tục vi phạm thỏa thuận như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Washington cũng cho rằng Moskva lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh.
Bầu trời Mở là một trong những hiệp ước lớn mà Washington rút khỏi dưới thời Trump. Ông cũng Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, làm leo thang căng thẳng giữa Moskva và Washington, vốn đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Biden khi nhậm chức tuyên bố sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Nga, song tỏ ra cởi mở hơn với các hiệp ước quốc tế sau khi Trump từ bỏ một loạt thỏa thuận đa phương. Vài ngày sau khi nhậm chức, Biden gia hạn New START thêm 5 năm. Hiệp ước này được Mỹ và Nga ký tháng 4/2010, giới hạn số đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của hai nước.
Vũ Anh (Theo Reuters)