Trong vài tháng qua, Putin đã "phủ sương mù" lên chính trường Nga. Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi giữa tháng một, Putin đề xuất thay đổi hiến pháp, gồm cho phép quốc hội thay vì tổng thống chọn thủ tướng, thay đổi giới hạn nhiệm kỳ đối với tổng thống và tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn cho tổng thống mà ông đứng đầu. Nga sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ngày 22/4.
Ngay sau đó, đồng minh lâu năm Dmitry Medvedev từ chức thủ tướng, người thay thế ông là Mikhail Mishustin, lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga ít được công chúng biết đến.
Khi Putin vừa công bố các thay đổi, phản ứng đầu tiên của các nhà phân tích là nhận định nó cung cấp nền tảng để ông duy trì quyền lực sau khi nhiệm kỳ thứ tư kết thúc năm 2024. Hiến pháp Nga hiện cấm tổng thống phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng nghĩa với việc Putin sẽ không được tái tranh cử. Giới phân tích đánh giá ông có thể trở thành thủ tướng hoặc ông có thể tiếp tục làm lãnh đạo Hội đồng Nhà nước và vẫn điều hành đất nước từ sau hậu trường.
Nhiều người cho rằng Mishustin là người kế nhiệm tiềm năng của Putin. Tuy nhiên, số khác đánh giá Mishustin thực tế là một nhà kỹ trị, tức được bổ nhiệm vì khả năng chuyên môn thay vì tính toán chính trị.
Ý định của Putin có vẻ đã trở nên rõ ràng vào ngày 10/3. Valentina Tereshkova, phó chủ tịch Hạ viện Nga, đề xuất sửa đổi hiến pháp tại cuộc họp ở Hạ viện, thiết lập lại các nhiệm kỳ tổng thống trước đây về 0, đồng nghĩa với việc Putin có thể tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa. Tổng thống Nga sau đó đến hạ viện và cho biết ông tán thành đề xuất của bà Tereshkova. Putin không tuyên bố ông sẽ tái tranh cử sau năm 2024 nhưng nói rằng ông nên có quyền tiếp tục tranh cử vì sự ổn định của đất nước.
Các nghị sĩ Hạ viện Nga sau đó bỏ phiếu tán thành các đề xuất sửa đổi hiến pháp với 382 phiếu thuận, 44 phiếu trắng, không có phiếu chống. Họ cũng đã bỏ phiếu vòng cuối vào hôm nay với tỷ lệ tán thành áp đảo. Dự thảo dự kiến được trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới.
Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, cho rằng sự kiện ngày 10/3 cho thấy rõ Putin muốn tiếp tục nắm quyền. "Có vẻ như sau khi thử suy tính tới ý tưởng gia tăng quyền lực của Hội đồng Nhà nước để điều hành sau hậu trường, Putin cuối cùng đã quyết định chọn cách trực tiếp hơn là tái tranh cử năm 2024", Trenin viết trên Twitter.
Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny gọi đề xuất này là nỗ lực biến Putin thành "tổng thống trọn đời", mặc dù hôm 6/3, Putin đã nói rằng ông không muốn cầm quyền cho đến khi qua đời như các lãnh đạo Liên Xô. "Những thứ đang diễn ra thật thú vị", Navalny viết trên Twitter. "Putin đã nắm quyền trong 20 năm nhưng sắp tới ông ấy sẽ được coi là lần đầu ra tranh cử".
"Các tính toán đã được làm rõ", giáo sư chính trị Grigorii V. Golosov tại Đại học Châu Âu ở St. Petersburg, nói. "Ông ấy truyền đi thông điệp rằng sẽ không có gì thay đổi, mọi thứ sẽ vẫn như cũ".
Nga, giống như phần còn lại của thế giới, đang đối mặt với Covid-19 và tác động kinh tế đi kèm với nó. Nền kinh tế dự kiến gặp thêm nhiều sóng gió do giá dầu giảm sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga và Arab Saudi sụp đổ.
Một số chuyên gia cho rằng Putin chọn thời điểm này để truyền thông điệp nhằm nhấn mạnh sự lãnh đạo của ông là cần thiết để giữ ổn định cho đất nước. Ông đã khẳng định điều đó trong phát biểu trước hạ viện. "Tôi tin tưởng rằng nước Nga cần một tổng thống mạnh mẽ. Tổng thống là người bảo vệ an nguy của nhà nước, sự ổn định phát triển trong nội bộ", ông nói.
Putin cho biết khi lần đầu tiên nghe về ý tưởng tính lại nhiệm kỳ, ông đã nghĩ rằng "tôi không muốn quay lại thời Liên Xô". Nhưng sau đó ông cảm thấy các biện pháp này không giống thời Liên Xô. "Trước đó, mọi thứ được thực hiện ở hậu trường. Không có cuộc bầu cử thực sự. Bây giờ tình hình rất khác", ông nói.
Maksym Eristavi, nhà nghiên cứu tại nhóm nghiên cứu Atlantic Council, cho rằng Putin đã cân nhắc các kế hoạch khác để tiếp tục giữ quyền lực sau hậu trường sau khi hết nhiệm kỳ, vì cảm thấy không có cơ hội tái tranh cử do giới hạn hiến pháp. Nhưng những diễn biến thế giới hiện nay đã mở ra cánh cửa cơ hội cho ông, khiến ông loại bỏ các tính toán trước đây và quyết định thúc đẩy thay đổi lớn.
"Giờ ông ấy có cơ hội vì Covid-19, vì khủng hoảng, vì sự bất ổn đang gia tăng. Ông ấy rất giỏi nắm bắt cơ hội", Eristavi nói.
Phương Vũ (Theo AFP/Vox)