Nhà hàng Biển Dương 3 trên đường Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) tối đầu tuần khá đông khách. Dù bên trong còn vài bàn trống, song nhân viên vẫn mang hơn chục bộ bàn ghế xếp dọc vỉa hè, mời thực khách vào.
Càng lúc quán càng đông, vỏ bia, thức ăn, rác rưởi quăng khắp nơi trên khoảng 40 m phía trước. Nhiều người đi bộ phải dạt xuống lòng đường nếu muốn đi qua quán. Trụ sở công an, ủy ban phường chỉ cách đó chừng 200 m.
"Mấy ông bên phường gần đây không kiểm tra 'rát' như trước nên quán đánh liều mang bàn ghế ra ngoài khi khách đông", phục vụ nhà hàng lý giải về việc sử dụng vỉa hè.
Ba tháng trước, đêm 26/2, Biển Dương 3 bị đoàn liên ngành quận 1 xử phạt lỗi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Tất cả bàn ghế, mái che di động đều bị lực lượng chức năng thu giữ. Nhà hàng còn bị phạt 2,5 triệu đồng về hành vi xả rác nơi công cộng.
Nhà hàng Biển Dương 3 khi bị xử lý chiếm vỉa hè và hiện tại
Tuy quận 1 tái diễn tình trạng chiếm vỉa hè nhưng không rầm rộ bằng các quận, huyện khác. Trên đường Phạm Văn Đồng (thuộc 3 quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức), từ 18h các quán nhậu ven đường bày la liệt bàn ghế trên vỉa hè rộng 3-8 m, nhân viên bước hẳn xuống lòng đường lôi kéo khách.
Các loại xe đẩy bán cá viên chiên, bắp xào, chè… cũng thản nhiên bày bàn ghế, chiếm trọn vỉa hè để kinh doanh. Xe máy, ôtô của thực khách đậu hàng dài trên lối đi bộ.
Tái chiếm trên nhiều tuyến đường ở TP HCM
Theo Ban An toàn giao thông TP HCM, vỉa hè bị tái chiếm nhiều nhất là tại các tuyến đường Nguyễn Thái Học (quận 1); Hoàng Sa (quận 1, 3, Tân Bình); Trường Sa (Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình); Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, 10); Phạm Văn Đồng (Gò Vấp, Bình Thạnh); Quốc lộ 22 (Hóc Môn)…
Các đường ở trung tâm như Lý Tự Trọng, Pastuer, Đồng Khởi… dù có barie nhưng xe máy vẫn chạy lên vỉa hè. Ôtô biển xanh, đỏ còn đậu trên lề đường, khu vực cấm ở nhiều quận trung nhưng ít bị xử lý.
Trong cuộc họp về công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè chiều 24/5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết liên tục nhận được tin nhắn của người dân về việc vỉa hè bị tái chiếm. Giọng khá nghiêm nghị, ông yêu cầu 24 quận huyện phải tiếp tục lập lại trật tự vỉa hè "vì việc nhỏ mà làm không được thì khó có thể làm được việc lớn".
Ngày 16/1, đoàn liên ngành quận 1 ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường với mong muốn biến quận trung tâm "thành Singapore thu nhỏ” đã tạo hiệu ứng mạnh. Nhiều công trình của cơ quan nhà nước; ôtô biển xanh, đỏ; hàng quán trên vỉa hè bị xử lý quyết liệt. Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 - cam kết:
“Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng”.
Đoàn liên ngành quận 1 xử lý những công trình lấn chiếm
Lãnh đạo TP HCM đánh giá cao hiệu quả của quận 1, yêu cầu tất cả nơi khác phải vào cuộc chấn chỉnh trật tự đô thị. Phó chủ tịch các quận 3, 5, 9, 10, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức… sau đó dẫn đầu lực lượng xử lý chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Tình trạng đậu xe, buôn bán, các hạng mục lấn chiếm đều bị xử lý triệt để. Riêng quận 1 có 100/134 tuyến đường thông thoáng.
Bà Trương Thị Minh Tín (Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) từng hứa trước lãnh đạo thành phố “sẽ từ chức nếu không quản được vỉa hè”.
Trong quá trình chấn chỉnh trật tự vỉa hè, đoàn liên ngành quận 1 của ông Đoàn Ngọc Hải cũng nhận nhiều phản ứng trái chiều, cho rằng ông xử lý sai luật.
Ngày 4/4, sau khi xử lý các hạng mục lấn chiếm vỉa hè của Đài tiếng nói Nhân dân TP HCM, khách sạn Majestic, phạt xe biển ngoại giao… ông Hải và đoàn liên ngành quận 1 dừng xuống đường cho đến nay.
“Chủ tịch các phường nếu để tình trạng trở lại như cũ thì mời đi làm việc khác. Đừng để chúng ta nỗ lực giành vỉa hè rồi đâu lại vào đấy”, chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói trong cuộc họp về trật tự đô thị.
Người dân buôn bán trên vỉa hè đều nhìn nhận việc mình làm là không đúng. Nhưng gần đây lực lượng chức năng ít đi kiểm tra, xử lý như trước nên họ đánh liều “vì miếng cơm manh áo”. Mặt khác, đa số khách hàng đều thích tiện lợi, thích văn hóa vỉa hè, ngồi ngoài lề đường hóng mát và ngắm phố xá nên chủ quán chiều theo.
Lãnh đạo các quận huyện đều khẳng định vẫn duy trì, đôn đốc lực lượng xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè. Nhưng do lực lượng mỏng, không thể quán xuyến tất cả các điểm để ngăn ngừa việc tái chiếm.
"Thu nhập của lực lượng trật tự đô thị hiện chỉ 2 triệu đồng mỗi người một tháng, trong khi phải thường xuyên đeo bám, theo dõi địa bàn cả ngày lẫn đêm", Ban An toàn giao thông TP HCM nhận định.
Đơn vị này cho rằng, tình trạng tái chiếm vỉa hè do phối hợp giữa các đơn vị trong cùng phường, quận, hay giữa các địa bàn giáp ranh chưa cao. Lãnh đạo nhiều nơi chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa lập giải pháp kiểm điểm trách nhiệm của phường xã.
"Việc thực hiện không diễn ra liên tục, thiếu kiên quyết dẫn đến dư luận cho rằng có tình trạng bảo kê, tiêu cực...", báo cáo của Ban an toàn giao thông TP HCM nêu.
Tại quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải cho biết phải dừng xử lý lấn chiếm lòng lề đường vì lãnh đạo quận yêu cầu.
"Vỉa hè bị tái chiếm do anh em ở phường làm không xong vì cứ nhìn ngó cấp trên. Muốn được nhân dân tin tưởng thì mọi cán bộ phải quyết tâm, không ngại đụng chạm lãnh đạo, không ngại đụng chạm lợi ích nhóm", ông Hải nói.
Trong cuộc họp với UBND TP HCM hôm 24/5, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho hay đang xem xét khuyết điểm của Đội Quản lý trật tự đô thị, kiểm điểm một phó chủ tịch phường trong công tác chấn chỉnh vỉa hè.
Trong buổi làm việc chiều 24/5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra sốt ruột, cho biết thường xuyên nhận được tin nhắn của người dân phản ánh tình trạng lòng đường, vỉa hè bị tái chiếm. Ông đề nghị các quận huyện phải làm nghiêm, kiên quyết xử lấn chiếm vỉa hè cũng như sai phạm trong quá trình lập lại trật tự.
Ban an toàn giao thông TP HCM đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới như: gắn camera theo dõi, số hóa dữ liệu vỉa hè, tăng mức phạt, bổ sung chế tài, không công nhận khu phố văn hóa nơi có tình trạng lấn chiếm…
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra xử lý vi phạm vào các ngày cuối tuần, ban đêm. Lên kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị để tránh tình trạng kiểm tra bên này người vi phạm chạy qua địa bàn khác. Quy hoạch thêm một số chợ để hạn chế tình trạng chợ tự phát.
Vai trò của chủ tịch quận, huyện phải đề cao hơn nữa. Họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp với lãnh đạo thành phố trong việc đảm bảo trật tự vỉa hè.
Mới đây, bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong buổi tiếp xúc với cựu chiến binh quận 10 cho biết sắp tới thành phố sẽ tổ chức sơ kết 2 tháng thực hiện chỉ thị về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị. Nếu đảm bảo được kế hoạch, cũng như sự bền vững thì tiếp tục ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè.
Duy Trần