Tháng 3/2018, TomoChain kết thúc ICO với 8,5 triệu USD. Từ tháng 4/2018, CEO Vương Quang Long lần lượt bay đến Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Indonesia rồi lại Hàn Quốc.
Những chuyến bay liên miên tham dự các sự kiện công nghệ Blockchain quốc tế, làm diễn giả, thuyết trình dự án, gặp gỡ đối tác, nhà đầu tư, tăng sự hiện diện của công ty trên thị trường toàn cầu, kết nối các cộng đồng phát triển Blockchain xuyên biên giới…chính thức xác lập cuộc sống của CEO TomoChain thành hai nửa – trước máy tính và trên bầu trời.
Hành trình bay của ông Long tương ứng với những điểm sáng của các thị trường Blockchain trên bản đồ quốc tế từ Á sang Âu. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất thuộc nhóm kinh tế đang phát triển nhưng gây đột biến với thị trường Blockchain làm ngạc nhiên nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia thời gian qua.
CEO Vương Quang Long (áo đen, bên trái) trao đổi với các giám khảo, nhà đầu tư trong sự kiện Hackathon.
Từ nửa cuối năm 2017, Blockchain trở thành một thứ virus - thời trang toàn cầu với tốc độ lây lan và ảnh hưởng chóng mặt. Các diễn đàn, sự kiện, hội thảo Blockchain mọc lên khắp nơi. Hàng nghìn công ty công nghệ trên thế giới tuyên bố đang triển khai ứng dụng Blockchain vào mô hình kinh doanh, xây dựng nền tảng, phát triển giao thức, sản xuất các ứng dụng phi tập trung…
Các nhà đầu tư tiền mã hóa, công ty ICO điên cuồng tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị tài sản. Nhiều Chính phủ như Malta, Estonia…đẩy mạnh nghiên cứu, đưa ra những thông điệp mạnh mẽ để khẳng định sự tân thời trong cuộc nắm bắt và chạy đua với sự phát triển vũ bão trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Blockchain là đại diện nổi bật nhất.
Ngành công nghiệp đang lên Blockchain ở các thị trường mới nổi dường như là sự phản chiếu niềm hy vọng của thế giới qua một thập kỷ chìm sâu trong sự ảm đạm xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ Mỹ năm 2008. Sau 10 năm chán chường với hệ thống tín dụng tập trung và cách nền kinh tế truyền thống vận hành ì ạch, người dân giờ trông đợi những công nghệ mới có thể phá bỏ những nền tảng cũ, tạo nên dòng chảy mới cho tiền tệ và nền kinh tế.
Một vài chuyên gia nhận định
Trong sự vận hành mới của thời đại, Việt Nam tất nhiên cũng không nằm ngoài xu hướng. Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có khoảng 30 startup blockchain theo nghiên cứu của Infinity Blockchain Labs.
Đến hết quý II/2018, theo số liệu của Viện nghiên cứu Blockchain và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain đạt 364, tăng hơn 10 lần. Số nhà đầu tư tiền mã hóa, ICO theo một thống kê không chính thức là khoảng 10.000 người.
Theo nghiên cứu, hơn 5.000 lập trình viên tại Việt Nam đang phát triển các sản phẩm công nghệ dựa trên nền tảng Blockchain. Công nghệ Blockchain tại Việt Nam đang được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (83%), chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%).
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm cũng đang lên kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ này. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang muốn tham gia đầu tư mạnh vào thị trường Blockchain tại Việt Nam.
Gần một năm kể từ thời điểm công ty Kyber Network do CEO người Việt Lợi Lưu gây xôn xao trong và ngoài nước với khoản ICO trị giá 52 triệu USD, thị trường Blockchain Việt Nam mới trình làng được thêm dự án có ICO cao với số vốn đạt 8,5 triệu USD – TomoChain.
Đây là nền tảng Blockchain mã nguồn mở với hiệu năng cao, cho phép xác thực giao dịch trong thời gian ngắn đi kèm chi phí thấp. Nền tảng này mở ra khả năng xử lý hàng tỷ giao dịch trong một ngày. TomoChain đặt mục tiêu ra mắt mainnet và hoàn thiện hệ thống trong quý 4/2018.
TomoChain mang tới giải pháp công nghệ sáng tạo cải tiến những điểm yếu hiện nay của Ethereum Blockchain. Với việc hỗ trợ xác thực giao dịch trong thời gian ngắn, phí giao dịch gần bằng 0. Hệ thống của TomoChain với 99 masternodes đi kèm với những công nghệ nổi bật như hệ thống xác thực hai lớp, cơ chế lựa chọn ngẫu nhiên và kết nối thông qua smart contract. TomoChain hỗ trợ tất cả các smart contract, các giao thức trên nền tảng máy ảo EVM cũng như cho phép trao đổi token giữa các nền tảng khác nhau
Được coi như những hình mẫu công ty ICO thành công trong giới với sản phẩm chất lượng, TomoChain cùng Kyber Network mặc nhiên trở thành những “anh cả” trong cộng đồng phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam. Ở buổi đầu của Blockchain trong thị trường mới nổi như Việt Nam, họ phải cáng trên vai nhiều trách nhiệm từ sức ép phát triển công ty, nhiệm vụ chỉ dẫn cộng đồng cùng với vận động chính sách cho các cơ quan chức năng.
Cuối tháng 7/2018, TomoChain dọn về văn phòng mới như dấu chỉ của việc sẵn sàng bước lên nấc thang tiếp theo để tiếp tục dẫn đầu cuộc chơi.
“Tại đây, chúng tôi dành không gian miễn phí để tổ chức các sự kiện Blockchain cho cộng đồng, dân lập trình, các nhà phát triển công nghệ, nhà đầu tư và những ai quan tâm. Ai cũng sẽ có thể tìm thấy mình là một phần của thị trường Blockchain hiện tại”, CEO TomoChain Vương Quang Long cho biết.
Trong giai đoạn Blockchain có nguy cơ bị thổi phồng về giá trị và tiềm năng so với những gì trên thực tế công nghệ này đang đạt được, đội ngũ TomoChain hiểu rằng thị trường cần những “người thợ”, kỹ sư, nhà phát triển đích thực để đặt những viên gạch đầu tiên cho các sản phẩm Blockchain thật sự.
TomoChain Hackathon 2018 ra đời, quy tụ gần 10 đội từ hơn 30 nhóm đăng ký cho cuộc thi lập trình sản phẩm Blockchain trong vòng 24h. Các giải pháp đưa ra phải ứng dụng công nghệ chuỗi khối để giải quyết vấn đề thời sự từ cuộc sống cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Đây không chỉ là cơ hội dành cho những nhà lập trình cọ xát, nâng cao trình độ mà còn là dịp để các nhà đầu tư vào thị trường Blockchain săn “hàng tốt” ở thời điểm mọi thứ còn phôi thai. Nếu được các nhà đầu tư để ý, những sản phẩm và ý tưởng thô sơ ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành một công ty tiềm năng, thu hút vốn vào ngày hôm sau.
Một góc văn phòng mới của TomoChain
Ông David Nguyễn Vũ, Chủ tịch Midas Protocol, đồng thời là Chủ tịch quỹ đầu tư Regulus Investment và Chủ tịch Phòng thương mại Việt Nam- Singapore cho biết: “Tôi có hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư vào các startup nói chung và trong khoảng hai năm trở lại đây, tôi dịch chuyển sự quan tâm của mình đến các startup công nghệ Blockchain để đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng như tăng cơ hội gia tăng tài sản”.
Lần lượt các dự án Blockchain được thuyết trình trước hội đồng ban giám khảo bao gồm các nhà đầu tư, kỹ sư giàu kinh nghiệm và chuyên gia nghiên cứu. Các dự án có KnowChain – ứng dụng Blockchain trong giao dịch; TomoCarter - ứng dụng quản lý hoạt động gây quỹ ủng hộ và từ thiện phi tập trung trên nền tảng Tomochain; Vinsoft - giải pháp tich hợp blockchain cho logistic đảm bảo tính minh bạch về thông tin hàng hoá, thời gian, địa điểm, các thông tin về môi trường hiện tại.
Bên cạnh đó là giải pháp Lucky team, ứng dụng hợp đồng thông minh vào hệ thống trò chơi quay thưởng, xây dựng hệ thống trò chơi "luckygen" dành cho các công ty kinh doanh trực tuyến; YGGChain - đồng tiền thuật toán với giá ổn định cho các giao dịch thường ngày; ứng dụng phi tập trung Bigbom - sử dụng Ethereum Private Key để tạo chữ ký số và xác thực chữ ký với hợp đồng đã ký.
Ngoài ra, Hust - ứng dụng phi tập trung sử dụng nền tảng “HyperLedger Fabric” và hợp đồng thông minh để chứng thực giấy tờ, bằng cấp, bảng điểm; Healthcare - nền tảng lưu trữ, quản lý hồ sơ bệnh án trên Blockchain và SHIELD - ứng dụng di động nhằm bầu chọn cho các KOL - cũng được đánh giá cao bởi ý tưởng và mức độ hoàn thiện sản phẩm ban đầu.
Chung cuộc, dự án TomoCarter lên ngôi Quán quân với giải thưởng tiền mặt 5.000 USD. Lucky Gen nhận giải Nhì với 3.000 USD. Hai đội Knowchain và YGGChain đạt giải Ba với 1.500 USD, và Bigbom thắng giải bình chọn từ cộng đồng.
Đánh giá về Hackathon, ông Cồ Anh Tuấn – CTO Bigbom Eco cho biết : “Các đội thi đều có ý tưởng tốt, táo bạo và thiết thực dù vẫn cần phải được hoàn chỉnh thêm rất nhiều. Đây là dịp để các nhà đầu tư đang săn tìm dự án mới lạ có cơ hội tìm hiểu. Các công ty đang triển khai Blockchain tìm thêm nhân lực”.
Nằm trong hội đồng ban giám khảo, nhà đầu tư YY Lai, đại diện quỹ Signum Capital, đồng thời là trưởng bộ phận hỗ trợ startup tại PayPal có nhiều suy tư. YY Lai từng là giám đốc của quỹ đầu tư NTU/NYUitive. Trong thời gian đó, ông giúp đỡ phát triển và gọi vốn thành công khoảng 15 dự án mỗi năm, tính từ 2012. Danh mục đầu tư của Lai trải dài trên nhiều lĩnh vực với những cái tên đã gây dựng được nhiều tiếng tăm như: Ctrlworks, Koipy, Shopperboard, Qlipp…
Ở buổi đầu của ngành công nghiệp non trẻ, đang phát triển thần tốc, các dự án không thể sống sót nếu thiếu nhà đầu tư uy tín. Lai coi đây là cơ hội lớn để tiếp tục tìm kiếm những dự án chất lượng mà một trong số chúng có thể trở thành một TomoChain thứ hai đối với ông. Lai nhận xét sự kiện hackathon này có chất lượng ngang ngửa, thậm chí hơn cả hackathon Blockchain tại trường NUS, Singapore xét trên mức độ hoàn thiện sản phẩm và trình độ của các lập trình viên.
Đồng quan điểm với YY Lai, James Ahn, CEO và Nhà đồng sáng lập của Edenchain cho biết đã có sẵn cho mình 1,2 cái tên dự án ấn tượng cùng lập trình viên mà ông sẽ liên lạc lại trong thời gian tới. James đến từ Hàn Quốc – một trong những thị trường Blockchain tại châu Á thu hút sự chú ý nhất toàn thế giới bên cạnh Nhật Bản, Singapore.
Với sự bùng nổ của ngành công nghiệp này, Hàn Quốc, Nhật Bản luôn trong tình trạng khát nhân lực có trình độ kỹ thuật, kỹ sư tin học để phát triển sản phẩm. James đánh giá thị trường Blockchain ở Việt Nam rất tiềm năng với những ý tưởng sáng tạo, tươi mới, và nguồn nhân lực “đáng mơ ước”. Sự kiện Hackathon này là dịp để CEO Hàn Quốc âm thầm “tuyển quân” cho thị trường xứ kim chi.
Mục tiêu sắp tới của TomoChain là hoàn thiện mainnet vào quý 4/2018.
Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý II/2018 của Navigos Search chỉ ra lĩnh vực công nghệ Blockchain đang khan hiếm nhân sự có kinh nghiệm người Việt.
Mặc dù mức lương trả cho ứng viên người Việt và người nước ngoài chuyên về công nghệ này tương đương nhau, từ 2.000 USD đến 3.000 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Blockchain nước ngoài vẫn khó tuyển được kỹ sư IT Việt. Vì thế, họ phải tuyển các chuyên gia từ nơi khác, chủ yếu ứng viên đến từ Nga, Ukraine và Mỹ.
"Trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ tích cực với các hoạt động phát triển cộng đồng công nghệ Blockchain thông qua những chiến dịch, sự kiện như hackathon lần này và mở rộng quy mô đến các nước Đông Nam Á khác", CEO Vương Quang Long cho biết.
Phương Nguyên