Thách thức phát triển thần tốc trên quê hương Mao Trạch Đông

Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, quê hương cố chủ tịch Mao Trạch Đông tăng trưởng vượt bậc, nhưng đối mặt với nhiều thách thức như tắc đường, ô nhiễm không khí, thừa nhà ở và quá tải dịch vụ công.

Cao ốc mới xây ở Trường Sa

Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nằm dọc theo bờ đông sông Tương, là nơi cố chủ tịch Mao Trạch Đông thường bơi lội khi còn là sinh viên đại học. Thành phố rộng lớn với dân số 3,7 triệu người có hơn 2.000 năm lịch sử, từng là kinh đô vương quốc Trường Sa thời nhà Hán mà rất ít dấu tích còn lưu lại ngày nay, theo Guardian.

Thành phố bị phá hủy phần lớn vào năm 1938 trong một trận hỏa hoạn kéo dài ba ngày. Hơn 20.000 người thiệt mạng, hai phần ba tòa nhà trong thành phố tan hoang trong trận chiến giữa Quốc dân đảng và quân Nhật.

Trong quá khứ, Trường Sa nổi tiếng vì là nơi xuất thân của nhiều lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày nay, thành phố nổi tiếng là nơi sản xuất những chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất Trung Quốc. Đài truyền hình Hồ Nam (Hunan TV) là mạng lưới truyền hình cấp tỉnh có tỷ lệ người xem cao nhất Trung Quốc, chỉ xếp sau đài truyền hình quốc gia CCTV về số lượng khán giả. 

Trường Sa cũng có nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng, từ năm 2005 tới 2015, kinh tế thành phố tăng 460%, cao nhất trong các đô thị toàn quốc. Thành phố khai trương hệ thống tàu điện ngầm năm 2014, một năm sau khi ra mắt dự án đầy tham vọng xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới Sky City. 

Trường Sa hiện đại là một ví dụ thành công trong công cuộc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đối mặt với nhiều thách thức phổ biến giống với đa số các đô thị Trung Quốc. Các dịch vụ công trong thành phố đang chật vật đối phó với dân số ngày càng tăng, gấp gần ba lần con số 1,3 triệu người năm 1990. Hệ thống giao thông công cộng quá tải, giao thông thường xuyên ách tắc. Đặc biệt, giống như 3/4 các đô thị Trung Quốc, ô nhiễm không khí ở Trường Sa ngày một nghiêm trọng. 

Thừa nhà ở

Tượng Mao Trạch Đông cao gần 10 mét ở Trường Sa

Bà Weiying thường đẩy xe đưa cháu gái đi dạo trong khuôn viên chung cư Double Day buổi chiều. Vào ban ngày, nơi đây rất yên ắng. Âm thanh lớn nhất vang lên là tiếng quạt giấy gắn trên cây cọ. Khu chung cư nằm ở vành đai hai của thành phố. Có hơn 100 tòa nhà mới đang mọc lên ở khu lân cận, xa xa là những cánh đồng tươi tốt của vùng nông thôn Hồ Nam.

Khi còn làm công chức nhà nước, bà Weiying sống ở trung tâm thành phố. Bà chuyển đến Double Day sau khi nghỉ hưu.

"Tôi mua chỗ này vì muốn sống ở chỗ rộng rãi hơn", bà nói. "Có điều, bạn bè tôi đều ở trung tâm. Ở đây quá yên ắng, ít nhất một nửa số căn hộ không có người ở vì họ chỉ mua để tích trữ đầu tư".

Giống đa phần đô thị Trung Quốc, Trường Sa phát triển chủ yếu dựa vào bán đất. Nguồn thu của thành phố dựa vào các dự án xây dựng mới và thị trường bất động sản. Kết quả là thành phố dư thừa nhà ở, còn giá nhà lại quá đắt đối với đa số người dân. Bà Weiying mua được nhà vì là công chức, được thành phố ưu đãi. 

 

Hơn một nửa số căn hộ trong chung cư trống không. Ảnh: Guardian

Đỉnh cao của bùng nổ xây dựng trong thành phố là dự án xây dựng Sky City, tòa tháp 220 tầng cao 838 mét, hơn 10 mét so với tháp Burj Khalifa ở Dubai. Tuy nhiên, ít lâu sau khi khởi công năm 2013, tòa nhà bị ngừng thi công do lo ngại mất an toàn. Người dân sử dụng tòa nhà bỏ hoang làm nông trại nuôi cá. Năm ngoái, dự án chính thức bị hủy bỏ do lo ngại tác động của nó tới môi trường đất ngập nước xung quanh, khu vực được xếp vào vùng cấm xây dựng.

Đôi khi bà Weiying cảm thấy rất cô đơn khi sống trong một chung cư thưa thớt hàng xóm.

Sự cô đơn còn tệ hơn nếu tôi không phải chăm cháu hay không nuôi chó. Khi đi dạo, nếu mọi người nhìn thấy tôi bế cháu, họ còn tới bắt chuyện. Nếu không có cháu hay nuôi chó, tôi không biết bắt chuyện với ai

bà Weiying tâm sự.
Thách thức phát triển trên quê hương Mao Trạch Đông
 
 

Toàn cảnh Trường Sa

"Tất cả bác sĩ đều làm việc quá sức"

Bệnh viện Ung bướu Trường Sa là trung tâm chữa bệnh ung thư trong tỉnh. Những năm qua, số lượng bệnh nhân tới đây ngày một tăng. Bác sĩ Lý, làm việc tại bệnh viện hơn 10 năm, cho rằng đây là hệ quả của chính sách bảo hiểm y tế giá rẻ.

"Tất cả bác sĩ chúng tôi đều làm việc quá sức, việc hành chính nhiều. Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cũng tăng lên, một phần do nhận thức và khám sàng lọc tốt hơn", cô nói. "Tuy nhiên, một phần nữa do chế độ ăn uống của người dân thay đổi; ô nhiễm môi trường cũng góp phần".

Bác sĩ Lý sống cùng chồng và con gái trong một chung cư gần bệnh viện. Cô sinh trưởng tại Trường Sa, thích sống trong trung tâm nhưng hiếm có thời gian rảnh rỗi ra ngoài chơi. Lý thừa nhận bệnh nhân gia tăng chỉ là một phần, phần khác do thiếu nhân lực.

"Các bậc phụ huynh khuyên con không nên học làm bác sĩ vì công việc này rất nguy hiểm", Lý đề cập tới nạn bạo hành đối với nhân viên y tế khắp Trung Quốc, trong đó có các bệnh viện ở Trường Sa. Năm 2013, thành phố xảy ra một vụ bệnh nhân dùng dao đâm chém ba y tá. Năm 2014, người nhà một bệnh nhân đã hành hung một bác sĩ và y tá đang mang thai.

Cô nói rằng tình trạng bạo lực xảy ra vì bệnh nhân không được tư vấn đầy đủ, "còn bác sĩ không đủ thời gian giải thích nên nó vẫn sẽ tiếp diễn".

Khi được hỏi tại sao muốn làm bác sĩ, cô trả lời:

"Tôi không biết. Chú tôi là bác sĩ. Bố mẹ tôi cho rằng đây là công việc tử tế, phù hợp với tôi", cô nói. "Thế là tôi mắc kẹt trong cái bệnh viện này". 

Liệu cô có khuyến khích con gái trở thành bác sĩ ở Trường Sa không? Lý nói "nếu con bé muốn thì cũng được, nhưng tôi không khuyến khích".

Không hy vọng

Trường Sa tăng trưởng mạnh trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, những thành phố khác ở tỉnh Hồ Nam lại tụt hậu trong thời kỳ này. Thiệu Dương, thành phố cách Trường Sa 220 km về phía tây nam, tới nay vẫn chỉ có hai tòa nhà cao nhất là tháp xây dựng từ thời nhà Minh.

Thiệu Dương trải dài theo hợp lưu hai con sông Thiệu và sông Dương Tử. Cho tới cuối những năm 2000, hầu hết chung cư trong thành phố là nhà tập thể xây dựng từ thời Mao Trạch Đông hoặc cũ hơn. Chính phủ và doanh nghiệp ít đầu tư vào Thiệu Dương, còn người dân phần lớn thất nghiệp khi các xí nghiệp quốc doanh giải thể những năm 1990.

5 năm gần đây, Thiệu Dương bắt đầu có dấu hiệu thay đổi. Đường sá được mở rộng, mạng lưới đường sắt cao tốc nối Thiệu Dương với những đô thị lớn được xây dựng. Khắp thành phố đầy các khẩu hiệu và biểu ngữ như "Xây dựng thành phố văn minh, xây dựng Thiệu Dương giàu đẹp". Thành phố cấm xe ôm để giảm tắc nghẽn. Mặc dù lệnh cấm đã cải thiện an toàn đường bộ, nhưng nó lại làm mất đi sinh kế của nhiều người như Baoqiang, một người đàn ông trung niên bỏ học từ năm 16 tuổi, chẳng biết làm gì ngoài lái xe.

Chăm chú nhìn xuống chỗ chân đen lại vì côn trùng cắn, ông liên tục vỗ đầu gối nói:

"Tôi đang vỗ cho độc lan ra. Bố tôi hay làm thế, chân ông ấy không có vết đen", Baoqiang nói. "Còn tôi, hãy ngửi này, đây là mùi của người chết".

Cơ sở hạ tầng được cải thiện ở Thiệu Dương khiến giá bất động sản tăng lên. Những con phố cũ dọc sông Thiệu bị phá hủy, nhường chỗ cho dự án xây nhà cao tầng. Khu giải tỏa đầy gạch vỡ và kim loại. Ở giữa khu đất trống là hai căn nhà nhỏ được gọi là "nhà ốc sên" - từ chỉ những ngôi nhà không chịu giải tỏa. Một giám sát công trình cho biết, chủ nhà đã cố thủ ở đó hai năm.

"Họ không sở hữu nhà mà chỉ đi thuê nhưng vẫn đòi bồi thường", ông này nói.

Trong nhà không có người. Phòng lớn nhất có lắp khung thép chống trộm ngoài cửa sổ, bên trong đầy các hộp quần áo và đồ đạc.

Khi được hỏi trong nhà có người không, một phụ nữ lớn tuổi tay cầm cái làn đầy tỏi tây nói:

"Họ không có hy vọng bồi thường gì nữa đâu, đáng lẽ phải chuyển đi từ năm ngoái rồi. Chúng tôi đang chuyển lên phía trên kia", bà chỉ tay về phía tòa chung cư trên đỉnh đồi. "Ở đó sạch sẽ và tốt hơn".

Ở rìa khu vực giải tỏa là một ngôi nhà trơ khung, chỉ cửa ra vào còn nguyên vẹn. Một con phượng hoàng màu cam hiện lên mờ nhạt trên cánh cửa ám khói.

Một người đàn ông đi qua cho biết, vụ cháy không phải tai nạn.

"Công ty bất động sản đã thuê côn đồ tới gây sự. Trước đó, chúng đã nhiều lần đến đập phá làm hỏng cửa. Cảnh sát chẳng làm gì cả, họ đứng cùng phe với các công ty xây dựng", ông nói. 

Ngôi nhà thuộc diện giải tỏa của giáo viên về hưu ở Thiệu Dương. Ảnh: Guardian

Một giáo viên dạy lịch sử đã về hưu chỉ về phía con phố, nói đã xảy ra ba vụ hỏa hoạn kể từ khi một công ty bất động sản công bố dự án. Căn nhà hai tầng của ông cũng nằm trong diện giải tỏa.

"Tôi không muốn đi. Gia đình tôi sống ở đây hơn 50 năm rồi, từ thời ông nội rồi đến bố tôi", ông nói. "Nhưng tôi không làm được gì cả, tôi không thể ngăn cản thành phố thay đổi".

Hồng Hạnh

Bình luận
Ý kiến của bạn