Những người ăn, ngủ trong lòng nghĩa địa ở Philippines

"Tôi sống ở đây đã 51 năm rồi, và cũng ngần ấy năm cố gắng tìm nơi ở khác", Elvira Miranda, một người dân sống trong khu ổ chuột giữa nghĩa trang Manila North, thủ đô Philippines, cho hay. "Chính quyền muốn chúng tôi rời đi, bản thân chúng tôi cũng muốn đi, nhưng không biết phải đi đâu".

Bà Miranda, 68 tuổi, sống cùng chồng và các con trong một túp lều giữa những ngôi mộ từ năm 1966. Giống như bà, nhiều người nghèo không có việc làm và sống ở một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài sống ở nghĩa trang, theo Guardian.

Bà Miranda sống ở Manila North đã 51 năm.

"Chúng tôi lau chùi, dọn dẹp nghĩa trang sạch sẽ, bởi đây cũng là nơi ở của chúng tôi", bà nói. "Đa số người sống ở đây không có thu nhập cố định, chúng tôi đều cố tìm việc lặt vặt để làm như bán hoa cho gia quyến người chết, khắc bia hay xây mộ".

Manila là một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, với lượng lớn người nông thôn di cư lên thành thị tìm việc nhưng khi tới nơi, đa số đều thất nghiệp và hình thành nên các cộng đồng tương tự nơi bà Miranda sống.

Nhiều khu ổ chuột mọc lên giữa các nghĩa trang công cộng. Họ ngủ trong lán dựng trên nóc mộ. Họ không mất tiền ở, nhưng cũng chẳng được dùng điện, nước sạch hay nhà vệ sinh.

Các khu ổ chuột trong lòng nghĩa trang xuất hiện từ những năm 1950. Nhiều thế hệ trong các gia đình đã và đang sống ở Manila North, khu nghĩa trang lâu đời nhất và rộng nhất thành phố với diện tích 54 hecta. Ở đây có gần 800 hộ gia đình gồm 6.000 người sinh sống, cùng với một triệu ngôi mộ.

Một số người sống nhờ nghề chăm sóc mộ, được gia đình người chết trả tiền để duy tu phần mộ, với mức 32 USD một năm. Một số khác kiếm sống nhờ mở tiệm tạp hóa hay làm thợ chạm trổ bia mộ, phục vụ 80 - 100 đám tang mỗi ngày.

Cuộc sống rất chật vật, thậm chí khó khăn hơn bởi các cuộc càn quét ma túy của Cảnh sát quốc gia (PNP). Chiến dịch bài trừ ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động đã giết chết hơn 12.000 người kể từ tháng 6/2016, trong đó rất nhiều vụ diễn ra tại các khu nghĩa trang.

Tháng 8 năm ngoái, một cuộc đột kích nhằm vào Manila North. Con trai của Carmelita Bahacan là Irish, chết trong vụ này khi mới 37 tuổi. 

Một đám ma ở khu ổ chuột Navotas.

"Tối hôm đó có 50 cảnh sát vào nghĩa trang", bà nói. "Họ bắn thằng bé 5 phát. Nó chết ngay phát đầu tiên nhưng họ vẫn tiếp tục bắn".

Bahacan, 57 tuổi, chuyển vào Manila North năm 1992, đang sống trên ngôi lều dựng trên phần mộ con trai.

"Tôi muốn thấy Irish luôn ở cạnh mình. Thằng bé chôn cùng bố tôi. Khi nào tôi chết, tôi cũng muốn được chôn cùng mộ hai người", bà nói. 

Manila tuyên bố tội phạm và ma túy tràn lan ở nghĩa trang. "Nhiều người dân khu ổ chuột thất nghiệp, một số người sẵn sàng phạm tội để kiếm tiền nuôi gia đình", Erwin, giám sát viên của cảnh sát Manila cho hay. "Những nghĩa trang này là nơi ẩn náu cho bọn tội phạm".

"Ở đây từng là nơi buôn bán sử dụng ma túy, bây giờ mọi người đã không làm thế nữa rồi", Bahacan cho biết. "Nhưng cảnh sát vẫn thường xuyên đột kích vào đây, lúc tối muộn hoặc sáng sớm, khi cả nghĩa trang đang chìm trong bóng tối và yên tĩnh. Họ bắn giết chúng tôi trong chính nghĩa trang này".

Bà nói rằng túng thiếu khiến họ không thể theo đuổi điều tra vụ cảnh sát nổ súng. Ngoài ra, vì chính quyền không có số liệu cụ thể về dân cư sống trong những khu nghĩa trang rộng lớn như Navotas, Pasay, Manila North và Manila South, người dân ở đây vẫn là mục tiêu cho các chiến dịch đột kích.

Ông Media sống ở khu ổ chuột nghĩa trang Pasay, gần mộ con trai.

Ricardo Medina, 70 tuổi, cũng sống gần mộ phần con trai Ericardo, người bị cảnh sát bắn chết hôm 16/11/2016. 

"Khi đó tôi đang ngồi đây xem tivi và nhìn thấy Ericardo. Thằng bé đội túi trùm đầu, trước ngực đeo tấm biển nói rằng con trai tôi là kẻ bán ma túy, nhưng nó vô tội", Medina nói, chỉ tay về hướng cách chỗ ở vài mét. "Tôi thích ở gần thằng bé. Tôi thích mỗi ngày thức dậy đều nhìn thấy nó. Tôi thích cảm giác là người chăm sóc mộ con trai".

Medina chuyển tới nghĩa trang Pasay năm 1967. Khi đó, không ai sống ở đây nhưng bây giờ thì khác. Chỉ riêng khu mộ chỗ ông ở đã có 50 hộ gia đình.

"Nhưng chỉ có hai giếng nước, đây là thứ cơ bản chúng tôi cần", ông nói.

Ông làm nghề đào mộ. Thời gian thuê mộ ở thành phố đông đúc này là 5 năm. Nếu gia đình không có tiền trả, xương cốt sẽ được đào lên và mang đi hỏa táng.


"Tôi thích sống ở đây, chỗ này rất yên tĩnh, không mất tiền, có công việc tốt. Đào mộ trẻ con tôi kiếm được 50 peso (1 USD), còn người lớn là 150. Có rất nhiều mộ cần đào, vì thế tôi kiếm ăn cũng khá, đủ nuôi sống gia đình và giúp đỡ mọi người", ông nói.

Không ngạc nhiên, không buồn bã, vừa nói chuyện ông vừa cầm lấy bàn tay một cái xác đang phân hủy. 


"Thấy không, dù chúng ta là người da đen hay da trắng, béo hay gầy, chết rồi, chúng ta đều có màu giống nhau", Medina kết luận. "Ở đây không có ma, nhưng mỗi khi đào mộ, tôi đều xin lỗi người nằm dưới vì đã làm phiền. Đó là cách tôn trọng họ".

Dù Medina đã nói thế, nhưng thực tế, điều kiện sống ở đây thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn có thể chấp nhận được, Năm 1996, người dân ở Manila North đã kêu gọi thị trưởng xây dựng trường học, nhà vệ sinh và nhà thờ. Nhưng mọi thứ vẫn như cũ. Vì vậy, họ quyết định mở lớp học cho trẻ em khu này. Trong khi chờ đợi nhà cửa, công việc, và công lý, họ vẫn tiếp tục làm thợ xây, người chăm mộ, thợ đóng quan tài, thợ khắc bia hay xây mộ.

"Chính quyền muốn chúng tôi dọn đi, nhưng chúng tôi đang làm những việc mà chẳng ai sẵn lòng làm", Medina nói. "Chúng tôi là một phần của cộng đồng, chăm lo cho mộ phần của họ".

Hồng Hạnh

Bình luận
Ý kiến của bạn