Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, các gia đình có thể chọn nhiều phương pháp điều trị, như IUI, ICSI, IVF… Trong đó,  IVF - thụ tinh trong ống nghiệm có tỷ lệ thành công cao.

Theo Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA), Hà Nội, 20 năm trước, tỷ lệ thành công trung bình của thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam 20-30%, nay đã lên 40-50%, có nơi trên 50%.

Tại hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản ở TP HCM ngày 25/8, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết, điều trị hỗ trợ sinh sản là dựa vào đặc điểm của từng bệnh nhân để có phác đồ phù hợp. Kỹ thuật chữa vô sinh của Việt Nam hầu như đã bắt kịp thế giới.

Nhờ có IVF, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm thấy hạnh phúc trong tiếng cười trẻ thơ.

21h ngày mùng ba Âm lịch 2018, vừa dọn xong mâm cơm Tết, chị Mã Thị Yên (sinh năm 1982, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) đau bụng lâm râm. Chị ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, hơn 10 ngày nữa là đến ngày dự sinh.

Một tay thu vén đồ đạc, một tay xoa bụng, chị Yên vừa mừng vừa lo. Gần mười năm lấy chồng, đây là lần đầu tiên chị trải qua cảm giác chuyển dạ. Chồng chị - anh Hoàng Văn Dũng (sinh năm 1979) là bộ đội biên phòng, vẫn đang làm nhiệm vụ ngoài đảo Quan Lạn, Quảng Ninh.

Quen nhau hồi học cấp 3, hai anh chị vun đắp tình cảm qua những lá thư tay vì anh xuống thành phố học trong khi chị làm ở UBND xã. Chuyện tình từ năm 17 tuổi kết thúc bằng đám cưới nhỏ ấm áp.

Anh chị thống nhất sẽ kế hoạch 3 năm để chị theo học lớp trung cấp luật, về làm cán bộ Văn thư lưu trữ. Công việc ổn định, anh chị tính chuyện sinh con nhưng suốt hai năm sau, tin vui vẫn chưa về.

Quá sốt ruột, tháng 8/2014, vợ chồng lên Thủ đô khám. Bác sĩ xác định nguyên nhân do anh Dũng tinh trùng yếu. Tích cực chữa chạy với hy vọng sớm đón con yêu, anh chị tìm tới nhiều nơi để mong cải thiện bệnh tình. Sau nhiều lần thăm khám, tháng 12/2015, bác sĩ kết luận anh chị không đủ điều kiện sinh nở tự nhiên. Niềm hy vọng vừa mới nhen nhóm bỗng chốc vụt tắt. Khao khát làm cha mẹ chưa bao giờ mãnh liệt hơn thế. Nhìn thấy bạn bè đều đã con bế con bồng, chị Yên tủi thân và trống trải vô cùng. Sâu thẳm trong lòng, chị luôn đau đáu câu hỏi: “Cũng là phụ nữ, tại sao mình lại không thể làm mẹ?”.

Ngày ngày bận rộn chăm sóc Hồng Diên, nhưng với chị Yên là khoảng thời gian hạnh phúc sau nhiều ngày khóc cạn nước mắt "tìm con".

Có lần, chị gợi ý chồng nhận hai bé trai sơ sinh làm con nuôi, nhưng anh gạt đi vì thích bé gái hơn. Gia đình nội ngoại hiểu chuyện nên không tạo áp lực mà chỉ động viên hai con.

9 năm kiên trì, anh Dũng, chị Yên nếm trải đủ cung bậc cảm xúc, hy vọng, thất vọng rồi lại hy vọng. Khó khăn lớn nhất suốt quãng thời gian ấy là cả hai phải xa nhau. “Anh Dũng là bộ đội biên phòng chuyên nghiệp, công tác ngoài đảo, lấy đồn làm nhà, đơn vị làm quê hương. Có khi 3, 6 tháng mới về thăm gia đình. Quãng đường di chuyển mỗi lần thăm khám cũng khá xa, ít thì chừng 35 km, xa thì trên 300 km. Thế nên, dù có một phần trăm cơ hội, chúng tôi cũng không bỏ cuộc”, chị Yên trải lòng.

Khi tưởng như đã đi tới tận cùng của sự tuyệt vọng, anh Dũng vô tình đọc được thông tin nhiều cặp chữa hiếm muộn thành công tại bệnh viện Tâm Anh, Hà Nội. Anh chị lại khấp khởi xuống Thủ đô bắt đầu lại hành trình “tìm con”.

Tại đây, chị Yên phát hiện thêm nguyên nhân khó thụ thai do bị tắc vòi trứng bên trái, phải mổ nội soi để thông. Chị được chỉ định phẫu thuật nội soi vòi trứng. Bác sĩ cũng gợi ý chị nên thực hiện phương pháp IVF - thụ tinh ống nghiệm do tuổi không còn trẻ và cơ địa khó mang bầu tự nhiên.

Ngay lần thực hiện IVF đầu tiên, chị Yên có thai. Anh chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi sắp làm cha mẹ. Những đau đớn suốt quãng thời gian 9 năm chật vật tìm con và ngày tháng lặn lội về bệnh viện để tiêm kích trứng, chọc hút trứng, chuyển phôi tươi bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm vui vô bờ khi có một sinh linh nhỏ bé lớn lên từng ngày trong bụng.

3 tháng đầu thai kỳ, chị Yên nghén nặng, không thể ăn gì ngoài cháo với bột canh. Thương vợ một mình vất vả, anh Dũng nhiều lần xin cấp trên tạo điều kiện về nhà thường xuyên. Anh đưa chị đi kiểm tra thai kỳ, liên tục nhắc nhở vợ ăn uống đầy đủ cho thai khỏe mạnh. “Thiên chức làm cha khiến anh thay đổi rõ rệt, anh vui hơn hẳn, tư tưởng cũng thoải mái trông thấy”, mắt chị Yên ánh lên niềm vui khi kể về chồng.

Ngày dự sinh của chị trùng vào dịp Tết Nguyên Đán. Tới Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh trong đêm mùng 3 Tết khi có cơn đau bụng lâm râm, nhưng đến mùng 7, bác sĩ mới chỉ định mổ bắt con. Nhận tin, anh Dũng tức tốc bắt xe từ đơn vị lên viện. 15h ngày mùng 7 Tết, cầm bút ký vào tờ giấy cam đoan phẫu thuật, chưa bao giờ anh run đến thế. Sau 15 phút, bác sĩ trao cho anh bé gái xinh xắn, khỏe mạnh, nặng 2,6 kg. Anh đặt tên con là Hoàng Hồng Diên.

“Đến nay, bé hơn 6 tháng, trộm vía khỏe mạnh, cứng cáp, biết tự cho thức ăn vào miệng, rất hay cười và đáng yêu”, chị Yên đầy hạnh phúc khi khi nói về "trái ngọt" sau 9 năm chờ đợi của hai vợ chồng.

Kết hôn từ tuổi 20, khi vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Việt - Hung, hai vợ chồng chị Chu Thị Lệ Thủy (sinh năm 1989, Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội) có ý định sinh em bé luôn vì chồng là con trai một, ông bà nội ngoại cũng muốn sớm có cháu bế bồng. Nhưng sau 9 tháng thả tự nhiên, chị không có bầu. Chị cùng chồng là anh Đỗ Xuân Hoàng (sinh năm 1984) quyết định đi khám. Kết quả, anh mắc bệnh tinh trùng yếu, còn chị bị “trứng lép”.

Có bệnh thì vái tứ phương, chị nghe ở đâu có thầy lang giỏi, cắt thuốc Bắc, thuốc Nam mát tay đều tìm đến. Thậm chí vì sốt ruột, gia đình bên nội đã chi hàng chục triệu đồng làm lễ cúng bái, mong sớm có cháu bế bồng. 

Sau 4 năm chữa trị bằng thuốc nam, bắc kết hợp tây y không hiệu quả, đầu năm 2013, vợ chồng chị quyết định làm IVF - thụ tinh ống nghiệm ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội. 

"Lần đầu làm IVF, vợ chồng tôi háo hức và tự tin sớm đón được con. Thậm chí lần ấy tôi đã trễ kinh hơn chục ngày, cả hai khấp khởi mừng thầm, ai ngờ ngay sau đó tôi lại 'đến tháng’. Anh xã vì quá mong ngóng, sốt ruột nên thấy vậy cũng đã đôi lần to tiếng, dẫn đến xích mích, cãi cọ", chị nhớ lại.

Bé Đỗ Tiến Phúc là "trái ngọt" tình yêu của cặp vợ chồng nhiều lần IVF bất thành ở Hà Nội.

Cứ vậy, sau hai lần IVF liên tiếp với chi phí lên tới gần hai trăm triệu đồng mà tin vui vẫn không gõ cửa, cặp vợ chồng không khỏi thất vọng, mệt mỏi. Bao nhiêu tiền tích cóp lần lượt ra đi. Hai bàn tay trắng, giấc mơ về một tương lai quấn quýt bên con dường như xa dần...

Cuối năm 2016, qua người quen giới thiệu, chị Thủy biết đến bác sĩ Lê Hoàng. Tuy nhiên, phần vì bận việc, phần vì kinh tế cạn kiệt, mất niềm tin, hai vợ chồng chần chừ việc thăm khám lại.

Đến tháng 3/2017, với sự động viên khích lệ của gia đình, chị Thủy xuống Hà Nội đăng ký khám bác sĩ Hoàng và được khuyên làm thủ thuật mổ nội soi vô sinh để thăm dò chuẩn bị làm IVF. Kết quả, bác sĩ phát hiện chị bị lạc nội mạc tử cung, nên đã đốt điện trước khi thụ tinh ống nghiệm.

Ngày 1/7, chị Thủy xuống bệnh viện để kích trứng. Bác sĩ Hoàng cùng nhiều chuyên gia theo dõi chu kỳ, đưa ra phác đồ theo dõi niêm mạc, xác định ngày chuyển phôi, sàng lọc phôi, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng... Ở lần chuyển phôi đầu tiên, chị Thủy đã thành công khi sinh mổ một bé trai kháu khỉnh, nặng 3,8kg. 

Nhớ lại lúc thử que thấy hiện hai vạch mờ, chị không tin vào mắt mình nên đã im lặng, chưa dám nói với ai. Những ngày sau đó, chị thử lại rất nhiều lần, thậm chí đi xét nghiệm máu để chắc chắn rồi mới thông báo tin vui cho mọi người. Hiện, bé trai Đỗ Tiến Phúc của chị đã hơn 5 tháng tuổi, nặng 7,5kg. Bé trắng trẻo, khỏe mạnh, bụ bẫm và rất giống bố.  

Nếu một thiên thần nhỏ mang tiếng cười và hạnh phúc đến cho các gia đình thì với đôi vợ chồng ở Thái Bình, điều đó còn nhân lên gấp bội với cặp song sinh đủ nếp đủ tẻ.

Kết hôn vào năm 2013, ở tuổi 24, như bao cặp vợ chồng khác, anh chị luôn mơ ước có một gia đình đủ nếp đủ tẻ. Một năm đầu trôi qua mà chưa thấy tin vui, anh chị lo lắng nhưng vẫn không nghĩ mình khó khăn về đường con cái bởi cả hai đều còn trẻ và khỏe mạnh.

Đến năm thứ hai, gia đình nội ngoại giục giã, cả hai mới từ Thái Bình lên Hà Nội thăm khám tại một bệnh viện Phụ sản lớn ở Hà Nội. Kết quả, chị hoàn toàn khỏe mạnh nhưng anh mắc bệnh tinh trùng yếu do di chứng của bệnh quai bị. Bác sĩ kết luận anh chị khó mang thai tự nhiên.

Tại đây, hai vợ chồng được các bác sĩ gợi ý sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bơm IUI trong phác đồ điều trị đầu tiên. Ngoài việc uống thuốc theo đơn, anh chị còn uống thêm cả thuốc nam, thuốc bắc. Thấy ai mách món gì tốt cho sức khỏe sinh sản nam giới, chị áp dụng ngay cho chồng.

Sau 2 lần bơm IUI, chị có thai. “Lúc que thử lên hai vạch, tôi sung sướng vì thấy mình may mắn hơn nhiều so với các cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh vô sinh hiếm muộn gặp trên bệnh viện”, chị tâm sự.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, anh chị nhận tin sét đánh - thai nhi bị đa dị tật, buộc phải đình chỉ ở tháng thứ 4. Không tin vào sự thật, hai vợ chồng tìm đến một bệnh viện lớn khác ở Thủ đô để siêu âm lại. Một lần nữa, kết quả hội chẩn của các bác sĩ chẳng khác nào vết dao cứa vào lòng anh chị - bắt buộc phải đình chỉ thai kỳ. “Cảm giác có bao nhiêu nước mắt, tôi đã khóc hết vào ngày hôm ấy. Tôi suy sụp, tưởng chừng không thể gắng gượng để tiếp tục”, chị chia sẻ.

Khát khao làm mẹ vẫn luôn cháy bỏng. Sau nỗi đau ấy, chờ đợi 6 tháng để cơ thể hồi phục, anh chị tiếp tục hành trình tìm con. Lần tái khám này, anh còn phát hiện bị viêm gan B, chị viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần phải chữa trị trước khi bơm IUI lần nữa. Ngỡ tưởng chữa trị xong bệnh thì khả năng thụ thai sẽ dễ dàng hơn, nhưng hai lần IUI sau đó đều không mang lại kết quả. Một bác sĩ ở Thái Bình khuyên anh chị nên chuyển sang phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Không dám kỳ vọng nhiều vào lần đầu làm IVF, nhưng có lẽ chính vì thế mà anh chị có tinh thần thoải mái, đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ, và rất bất ngờ khi tin vui đến sớm hơn mong đợi. Ngay lần đầu chuyển phôi ở bệnh viện Tâm Anh, chị đã có thai.

Sau 12 ngày chuyển phôi, kết quả thử máu của chị cao ngoài mong đợi: >1000 mIU/ml. Một tuần sau đó chị đi siêu âm thì biết tin mình mang song thai. Quá trình mang bầu khá vất vả khi chị liên tục bị sốt cao ở tuần thai thứ 16, đến tuần thứ 17 thì bị nhau tiền đạo. Chị buộc phải nghỉ làm ở nhà tĩnh dưỡng. Tới tuần thứ 35, chị hạ sinh một bé trai 2,1kg và một bé gái 2 kg. Mặc dù sinh thiếu tháng, cả hai bé đều khỏe mạnh bình thường.

Niềm vui của gia đình chị giờ đây nhân lên gấp nhiều lần khi căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười ê a của hai thiên thần xinh xắn. 

Hai vợ chồng còn 4 phôi tốt ở bệnh viện. Bao giờ các cháu lớn hơn, gia đình sẽ tính chuyện có thêm con, vì anh chị thích nhà đông trẻ.

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA), vợ chồng cần giữ tinh thần lạc quan, kiên trì đương đầu với mọi thử thách. Đây là yếu tố khá quan trọng để quá trình hỗ trợ sinh sản sớm thành công, bên cạnh trình độ chuyên môn của bác sĩ, máy móc thiết bị hiện đại.

Với những thành tựu của y học ngày nay, các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn sinh em bé bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) đã dễ dàng hơn, không còn tốn quá nhiều thời gian, công sức. Các bác sĩ đã làm chủ thành công nhiều kỹ thuật cao cấp cùng với trang thiết bị hiện đại nên tỷ lệ thành công cao, lên đến 40-50%.

Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản BV ĐK Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA), tỷ lệ này lên tới hơn 50% bao gồm cả ca khó, bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý kèm theo. Hiện chi phí một ca IVF, gồm thuốc, xét nghiệm, các thủ thuật từ chọc trứng, chuyển phôi, các kỹ thuật khác ở trong LAB... khoảng 60-80 triệu đồng trong một chu kỳ.

Phượng Huyền

Bình luận
Ý kiến của bạn