Từ khắp các xã, thị trấn của Phú Quốc, các bạn trẻ hội ngộ trong buổi sáng cuối tuần để nhặt sạch từng vỏ chai, bao nhựa trên bãi biển.

Anh Thành, 36 tuổi, đang lái xe cho một khu resort hạng sang tại bãi biển Phú Quốc. Ngoài những lúc đưa đón sân bay, anh chở khách bằng xe điện dạo biển. Thành hiền lành, giọng nói chân chất của người miền Nam. Sinh nhai ở đây nhưng không sinh ra tại Phú Quốc, càng không phải là người Kiên Giang hoặc khu Tây Nam Bộ. 

Anh là người Sài Gòn, sinh ra và lớn lên tại đô thị hiện đại nhất đất nước. Năm 2014, anh cùng vợ sinh con đầu lòng. Do sinh trễ, cậu con trai của anh có sức khoẻ không ổn định từ nhỏ. Cậu bé thường xuyên ho sốt, ăn uống khó khăn đến độ chẩn đoán suy dinh dưỡng, tính tình cũng ít lanh lợi hơn trẻ cùng lứa. Vợ anh cũng vì mãi chăm con mà không có thời gian đi làm. Gia đình sa sút, toàn bộ thu nhập cho gia đình do anh gánh vác. 

Cơ duyên đưa anh đến công việc tại đảo ngọc. Cảm thấy môi trường sống ở đây sạch sẽ, không khí mát mẻ trong lành, anh mang vợ con theo. Rời Sài Gòn và cả căn nhà của mình để chọn cuộc sống trọ tại một khu nhà nhỏ cũ kỹ tại thị trấn Dương Đông. Thành nói đó là quyết định sáng suốt nhất cho gia đình.

Con anh khoẻ khoắn, vui tươi và hiếu động hơn. Anh thường chở bé đi cùng trên những chuyến xe đón khách, tạo niềm vui và tiếng cười cho chiếc xe 16 chỗ ngồi. Đầu tuần, khi resort thưa khách, anh đưa bé cùng chị nhà ra tắm biển, đón nắng.

Đảo ngọc nổi tiếng với những bãi biển trong xanh, cát trắng mịn cùng không khí trong lành, đáp ứng tiêu chuẩn của các du khách trong nước lẫn quốc tế.

Nhưng môi trường xanh sạch, có lợi cho sự phát triển của người dân đảo ngọc, đặc biệt là trẻ em như con trai của anh Thành đang bị đe doạ bởi rác thải. Lượng khách tăng cao lên đến 2,7 triệu lượt trong năm 2017, đi kèm các hoạt động ăn uống, giải trí khiến hòn đảo phải nhận lượng lớn rác sinh hoạt. Nhiều biện pháp đã được đưa ra từ huy động cải thiện phương pháp xử lý rác, chế tài các đơn vị du lịch, ăn uống tự kiểm soát chất thải… 

Cạnh khu resort nơi anh Thành làm việc là bãi Ông Lang. Bãi biển này sở hữu vẻ đẹp khác biệt nhờ bãi cát trải dài đến cuối chân trời, những đụn cát nổi giữa mặt nước, men theo đường biển là hàng cây xanh rợp bóng. Đây là nơi lý tưởng cho những du khách mong muốn tìm chốn nghỉ dưỡng yên tĩnh, không xô bồ. Nhưng du khách có thể sẽ không hài lòng bởi bãi tắm đẹp lại nhiều rác. Vỏ bia, bao ni lông, chai nước cũ giống vết mực nguệch ngoạc trên trang giấy trắng.

Rác thải sinh hoạt xuất hiện tại nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng tại đảo Phú Quốc.

Không chỉ có Ông Lang, rác cũng là vấn đề của các bãi tắm nổi tiếng của đảo ngọc. Rác không xử lý triệt để sẽ gây nguy hại không chỉ môi trường kinh doanh, nghỉ dưỡng tại hòn đảo mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân địa bàn tỉnh. 

Buổi sáng cuối tuần 28/7, hơn 500 người đã có mặt tại bãi biển thuộc xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Hầu hết số đó là các bạn thanh niên trẻ ở nhiều đơn vị như Đoàn Thanh niên, chiến sĩ biên phòng, bộ đội hải quân, lực lượng an ninh…

Họ cùng tham gia lễ ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức với sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air. Theo đó, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải sinh hoạt” sẽ triển khai tại 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước.

Sau nghi thức ra quân, toàn bộ các bạn trẻ cùng chung tay dọn sạch các loại rác thải bẩn trên 1km đường biển gần đó. Với những dụng cụ thô sơ như cây cào, đôi bao tay, các bạn đã không ngần ngại phủi từng đụn cát để tìm ra những chiếc vỏ chai nhựa, bao ni lông vùi bên dưới.

Thanh Tâm (19 tuổi), cho biết cô sinh ra ở vùng núi cao tại Suối Đá, khu Nam Phú Quốc. Nhưng biển gắn liền với tuổi thơ, với kế sinh nhai của gia đình. Nên chi đoàn khởi xướng chương trình tình nguyện, Tâm lập tức đăng ký tham gia và không quên kêu gọi bạn bè dành buổi sớm cuối tuần tham gia. 

Còn Danh Thi, cảnh sát biển vùng 4, kể anh rất háo hức khi được tham dự. Anh phải xin đổi ca trực sáng 28/7 với đồng đội. Công việc thường nhật của anh gắn liền với biển, do đó thấy bãi biển được sạch sẽ, mọi người cùng xây dựng ý thức là điều mà Thi hy vọng.

Ông Đỗ Xuân Quang - Phó tổng giám đốc Vietjet nhận định lý do tham gia một chương trình về môi trường biển, Việt Nam là quốc gia có đường biển trải dài, có đến 28 tỉnh thành phốven biển, chiếm tới 42% diện tích và 45% dân số cả nước. Có khoảng 15,5 triệu người sống gần bờ biển và khoảng 16 vạn người sống ở các đảo. Mỗi năm, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước.

Cũng trong lễ ra quân, Vietjet và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã trao tặng xe tuyên truyền lưu động, trang phục, dụng cụ, quà cho đội hình nòng cốt “Hãy làm sạch biển” trên địa bàn huyện Phú Quốc, tặng quà cho học sinh là con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn huyện Phú Quốc… 

500 bạn trẻ chung tay làm sạch rác tại biển Phú Quốc
 
 

 

Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet cũng sẽ đồng hành cùng chuỗi hoạt động thiết thực: cuộc thi thiết kế poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển”; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội nhằm động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh có đường bờ biển tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế; thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường biển nòng cốt ở các địa phương ven biển; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải tại ít nhất 50% các địa bàn được xác định bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt…

Vietjet hiện có mạng bay rộng khắp 93 đường bay trong nước và quốc tế, trong đó có các đường bay nổi bật về du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Bình, Phú Quốc, Hải Phòng, Thanh Hóa…

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ, “Hãy làm sạch biển” có ý nghĩa và tác dụng thiết thực lên đời sống của nhân dân các tỉnh duyên hải. Do đó, ban lãnh đạo quyết định đồng hành cùng chương trình, vì biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố tác động đáng kể tới hoạt động của các hãng hàng không.

Tuấn Nhu

Video: Công Khang

Bình luận
Ý kiến của bạn